|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cốc Cốc và hành trình thách thức ‘ông lớn’ Google

17:17 | 04/09/2018
Chia sẻ
Nhờ địa phương hóa công cụ tìm kiếm, trình duyệt web tại Việt Nam, Cốc Cốc lọt vào danh sách những trình duyệt phổ biến nhất. 

Đối đầu “ông lớn” Google

Đặt trụ sở ở Hà Nội, Cốc Cốc quản lý công cụ tìm kiếm, trình duyệt web dành riêng cho người Việt Nam. Chính thức ra mắt năm 2013, công ty đã vượt qua Internet Explorer của Microcosoft một năm sau đó. Đến nay, Cốc Cốc là trình duyệt được sử dụng nhiều nhất ở Việt Nam, sau Google Chrome.

coc coc hanh trinh thach thuc ong lon google
Giao diện của Cốc Cốc.

Cốc Cốc là đứa con tinh thần của 3 chàng lập trình viên Nguyễn Thanh Bình, Lê Văn Thanh, Nguyễn Đức Ngọc. Họ đều tốt nghiệp Đại học Quốc gia Moscow, Nga và từng ứng tuyển vào đội ngũ phát triển công cụ tìm kiếm cho người Nga mang tên nigma.ru.

Nhận thấy tập đoàn Google bỏ sót nhiều khía cạnh về tìm kiếm, trình duyệt ở Việt Nam như xử lý ngôn ngữ, tìm kiếm thông minh hay tìm kiếm tự nhiên, 3 chàng trai quyết định thách thức với gã khổng lồ tại thị trường trong nước. Họ bắt đầu nghiên cứu ngôn ngữ, xử lý tiếng Việt có dấu, không dấu. Thay vì nhờ những chuyên gia, đội ngũ Cốc Cốc tự tạo ra những cuốn từ điển đồng nghĩa, trái nghĩa tiếng Việt.

Tuy nhiên, ba nhà sáng lập gặp vô vàn khó khăn, thách thức. May mắn thay, ý tưởng của họ thuyết phục thành công Victor Lavrenco (hiện là giám đốc điều hành Cốc Cốc) về làm việc. “Nhờ kinh nghiệm, mối quan hệ và danh tiếng trong lĩnh vực công nghệ tại Nga, Victor giúp doanh nghiệp kết nối với nhà đầu tư. Khi công ty phát triển, ông ấy tới Việt Nam hướng dẫn chúng tôi biến Cốc Cốc trở thành một sản phẩm thực sự”, Thanh Bình kể lại.

Bên cạnh đó, Cốc Cốc còn chiêu mộ nhiều tài năng từ nhiều tập đoàn lớn như Amazon, Google gia nhập đội ngũ. Victor cho biết, quản lý nhân viên tài giỏi là việc rất khó, song những người giỏi nhất đều đủ kinh nghiệm vượt qua những trắc trở đó.

Không lưu trữ dữ liệu người dùng

Khác với những công cụ tìm kiếm, trình duyệt khác, Cốc Cốc không lưu trữ thông tin người dùng. Vitor khẳng định, công ty muốn khách hàng có trải nghiệm tốt nhất, hoàn toàn yên tâm vì thông tin cá nhân được bảo mật.

Victor cho rằng, mọi ứng dụng công nghệ đều giúp cuộc sống tiện lợi, ý nghĩa hơn. Những vụ rò rỉ thông tin của Facebook, Alibaba vừa qua là trường hợp hiếm gặp. Nhưng giới truyền thông viết tiêu đề nóng để thu hút sự chú ý khiến nhiều người hiểu sai. Tất cả nền tảng công nghệ lớn đều sở hữu đội ngũ chuyên gia bảo mật dữ liệu nên người dùng có thể yên tâm.

Về vấn đề dữ liệu người dùng, Thanh Bình nhận định, trong thời đại công nghệ, hầu hết mọi người đều phải sử dụng trình duyệt, mạng xã hội để tìm kiếm, quảng cáo. Do đó, họ nên tin tưởng nền tảng mà họ lựa chọn.

coc coc hanh trinh thach thuc ong lon google
Victor Lavrenco - giám đốc điều hành Cốc Cốc (bên trái) và Nguyễn Thanh Bình - người đồng sáng lập Cốc Cốc (bên phải) - chia sẻ trong chương trình Quốc gia khởi nghiệp.

Dùng vốn khó hơn gọi vốn

Trước Cốc Cốc, nhiều start-up tìm kiếm, trình duyệt đã thất bại. Tuy nhiên, ý tưởng của ba chàng lập trình viên vẫn thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Họ từng kêu gọi thành công 14 triệu USD từ công ty Hubert Burda Media (HMB) của Đức.

“Ở Nga, Google không phải công cụ tìm kiếm được sử dụng nhiều nhất, Facebook xếp hạng sau nhiều mạng xã hội khác. Vì thế, Cốc Cốc không khó gọi vốn tại Nga hay nhiều nước Châu Âu”, Victor nói.

Gọi vốn rất khó, nhưng xử lý nguồn vốn cũng không đơn giản. Victor cho biết, nhiều hay ít tiền quá đều phát sinh vấn đề. Đặc biệt, chủ doanh nghiệp đã quá quen với cách hoạt động công ty lại càng khó thay đổi. Start-up nên chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng xử lý nguồn vốn và bắt tay hợp tác với nhà đầu tư thông minh, hiểu mình.

“Hai người thông minh ngồi chung một căn phòng sẽ nảy ra 3 ý kiến khác nhau. Họ có thể cãi vã, tranh luận quyết liệt để tìm ra chiến lược kinh doanh đúng đắn nhất”, Victor nhấn mạnh.

Theo doanh nhân người Nga, Việt Nam là quốc gia rất đẹp và sẽ trở nên giàu có trong 15 năm tới. Đánh giá cao thị trường công nghệ ở Việt Nam, ông khuyên người Việt nên khởi nghiệp trong nước.

"Muốn thành công, họ cần tạo ra sản phẩm hữu dụng cho xã hội tới mức người dùng phải trả tiền. Đó là cách kinh doanh hiệu quả nhất", ông bình luận.

Xem thêm

Bùi Mến