Có tỉ USD quá nhanh, các chủ startup muốn tránh chia tài sản khi li dị
Theo Bloomberg, luật sư Monica Mazzei ở San Francisco (bang California, Mỹ) kể cách đây vài năm, một khách hàng của bà cương quyết ký thỏa thuận tiền hôn nhân với chồng chưa cưới.
Cô gái ấy có hàng loạt ý tưởng kinh doanh trong khi hôn phu cũng đã sở hữu một công ty công nghệ nhỏ. Họ cùng ký một thỏa thuận với những điều khoản phân chia tài sản rất rõ ràng.
Vài năm sau, luật sư Mazzei tình cờ thấy hình ảnh nữ khách hàng năm xưa trên bìa một tạp chí. Doanh nghiệp của cô cực kỳ phát triển, còn công ty của người chồng thì gặp nhiều khó khăn.
Tại Thung lũng Silicon, các lập trình viên trẻ, giàu tham vọng đều tin chắc rằng những ý tưởng startup của họ trị giá hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ USD. Và làm giàu là ưu tiên số một thay cho việc kết hôn và xây dựng một gia đình êm ấm.
Ngày càng nhiều cặp tình nhân trẻ ở Mỹ tìm đến dịch vụ tư vấn thỏa thuận tiền hôn nhân. Ảnh: Getty.
Tránh chuyện ly hôn và mất nửa tài sản
Luật pháp bang California quy định mọi tài sản được tạo ra sau thời điểm kết hôn đều là tài sản chung của đôi vợ chồng. Do đó, nếu vợ chồng quyết định ly hôn, tài sản sẽ được chia đều 50-50. Điều đó ảnh hưởng xấu không chỉ đến các doanh nhân trẻ mà cả với các nhà đầu tư của họ.
Thỏa thuận tiền hôn nhân là công cụ hữu hiệu để tránh tình trạng đó. Theo các luật sư ở khu vực quanh Thung lũng Silicon, ngày càng nhiều cặp vợ chồng trẻ tại đây lựa chọn giải pháp ký thỏa thuận tiền hôn nhân.
Các doanh nhân - đặc biệt trong giới công nghệ - càng coi trọng vấn dề này. Họ muốn đảm bảo họ không phải chia sẻ khối tài sản mất bao công sức mới tạo dựng được nếu hôn nhân đổ vỡ.
“Ngày càng nhiều người trẻ muốn ký thỏa thuận tiền hôn nhân. Họ hiện chưa có nhiều của cải, nhưng tin tưởng rằng bản thân sẽ trở nên rất giàu có trong tương lai”, Bloomberg dẫn lời luật sư Jacqueline Newman ở New York khẳng định.
Luật pháp bang California quy định bất kỳ tài sản nào được tạo ra trong thời kỳ hôn nhân đều là tài sản chung của đôi vợ chồng. Ảnh: Getty.
Khảo sát của Học viện Luật sư Hôn nhân Mỹ cho thấy cứ năm luật sư thì có ba khẳng định rất nhiều khách hàng tìm đến dịch vụ tiền hôn nhân. Và số khách hàng trẻ tuổi muốn ký thỏa thuận tiền hôn nhân tăng đột biến.
Các nhà sáng lập startup công nghệ ở Thung lũng Silicon có thể học hỏi những người đi trước. Doanh nhân Sergey Brin - người đồng sáng lập Google - ly hôn vợ cũ Anne Wojcicki vào năm 2015. Tuy nhiên cổ phần của Brin tại Google không thay đổi nào đáng kể.
Tương tự, tỷ phú Larry Ellisonly hôn đến bốn lần, nhưng cổ phần của ông tại Oracle vẫn nguyên vẹn. Theo bảng xếp hạng của Bloomberg, Ellison là người giàu thứ bảy thế giới với khối tài sản 59,8 tỷ USD.
Nhưng thỏa thuận tiền hôn nhân không đảm bảo cuộc ly hôn diễn ra suôn sẻ. Các thẩm phán có thể bác bỏ những thỏa thuận này nếu chúng được soạn thảo kém. Luật sư ly hôn Lowell Sucherman ở San Francisco cho biết có nhiều thỏa thuận tiền hôn nhân bị vô hiệu hóa.
Đồng sáng lập Google Sergey Brin và vợ cũ Anne Wojcicki. Ảnh: Getty.
Điển hình là trường hợp của vợ chồng Alison Pincus (đồng sáng lập Công ty nội thất One Kings Lane) và tỷ phú Mark Pincus (nhà sáng lập Công ty game Zynga). Năm 2017 họ ly hôn và tranh cãi quyết liệt về thỏa thuận tiền hôn nhân ở tòa án.
Theo Bloomberg, khi quyết định đầu tư vào các startup công nghệ, nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm không đòi hỏi người sáng lập phải có thỏa thuận tiền hôn nhân. Tuy nhiên, họ muốn có các quy định pháp lý rõ ràng để bảo vệ các khoản đầu tư trong trường hợp chủ doanh nghiệp ly dị bạn đời.
Hạn chế quyền hạn của vợ/chồng cũ tại công ty
“Những người sáng lập doanh nghiệp luôn muốn đảm bảo rằng không ai bất ngờ sở hữu một cổ phần lớn và nắm một số quyền quản lý công ty. Họ không muốn thay đổi cán cân quyền lực trong công ty”, Bloomberg dẫn lời ông Par-Jorgen Parson thuộc hãng đầu tư Northzone khẳng định.
Các quỹ đầu tư mạo hiểm thường yêu cầu vợ hoặc chồng của nhà sáng lập ký vào thỏa thuận chung. Những thỏa thuận như vậy giúp đảm bảo rằng vụ ly hôn có thể được giải quyết bằng cách chia cổ phiếu của công ty, nhưng vợ hay chồng của nhà sáng lập sẽ không thể can thiệp nhiều vào hoạt động doanh nghiệp.
Các nhà sáng lập luôn làm mọi cách để tránh bàn giao một nửa số cổ phần của mình tại công ty nếu chẳng may họ phải ly hôn. Họ có thể chọn cách trả tiền mặt cho vợ/chồng cũ của mình, hoặc trả bằng các khoản đầu tư khác.
Tỷ phú Jeff Bezos và vợ cũ MacKenzie Bezos. Ảnh: Reuters
Ông chủ Amazon Jeff Bezos và vợ cũ MacKenzie Bezos là trường hợp điển hình. Sau khi ly hôn, bà MacKenzie sở hữu 4% cổ phần Amazon, tương đương 34,6 tỷ USD, nhưng lại không nắm bất kỳ quyền biểu quyết nào tại tập đoàn bán lẻ khổng lồ này
Theo ông Ed Zimmerman, chủ tịch một công ty công nghệ ở thành phố New York, các nhà đầu tư cũng cần biết về tình trạng hôn nhân của chủ doanh nghiệp. Bởi khi người chủ dính vào các rắc rối liên quan đến ly hôn hay quyền nuôi con, công ty có thể rơi vào tình trạng đáng báo động.
Và nếu vụ ly hôn không được thông báo cho các nhà đầu tư chính, họ có thể mất niềm tin nơi nhà sáng lập công ty - người mà những nhà đầu tư tưởng rằng mình đã thấu hiểu rất rõ.