|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Có thể mất tới vài tuần để ngành hàng không giải quyết triệt để sự cố màn hình xanh

14:58 | 21/07/2024
Chia sẻ
Vận tải hàng không bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhiều hãng hàng không toàn cầu đã phải ngừng khai thác các chuyến bay và hệ thống đang phải đối mặt với quá trình khôi phục có thể kéo dài nhiều ngày hoặc nhiều tuần.

Lỗi phần mềm của CrowdStrike đã gây ra sự cố sập hệ điều hành Microsoft, dẫn đến gián đoạn CNTT lớn nhất trong lịch sử. Sự cố này đã làm tê liệt các cảng biển ở Mỹ và trên toàn cầu, đặc biệt là các hệ thống vận tải hàng không phức tạp, khiến nhiều hãng hàng không toàn cầu phải hủy chuyến.

Ông Niall van de Wouw, Giám đốc vận tải hàng không tại công ty tư vấn chuỗi cung ứng Xeneta, chia sẻ với CNBC: "Máy bay và hàng hóa không ở đúng vị trí cần có, và sẽ mất nhiều ngày, thậm chí vài tuần để giải quyết triệt để. Sự cố này cho thấy chuỗi cung ứng đường biển và hàng không của chúng ta dễ bị tổn thương như thế nào trước những lỗi CNTT."

Hàng ngàn chuyến bay đã bị hủy hoặc hoãn tại các trung tâm vận chuyển hàng không lớn nhất thế giới ở châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ.

 Ảnh: Getty.

Vấn đề mới này xảy ra trong bối cảnh nhu cầu vận chuyển toàn cầu đang tăng cao, với lượng hàng hóa tăng 13% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, nguồn cung vận tải hàng không chỉ tăng 3%, gây ra tình trạng chi phí tăng cao do thiếu hụt năng lực vận chuyển.

Ông Pete Buttigieg, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Mỹ, cho biết chính phủ đang theo dõi sát sao tình hình để đánh giá những tác động dây chuyền khi các hệ thống được khôi phục. Ông cũng cho biết các hệ thống của FAA và các hệ thống giao thông đô thị lớn vẫn đang hoạt động, nhưng có thể gặp một số trục trặc nhỏ trong ngày.

Cuối tuần, hãng vận chuyển FedEx cho biết họ đã kích hoạt các phương án dự phòng, nhưng cảnh báo rằng có thể xảy ra chậm trễ trong việc giao hàng.

Trong khi UPS thông báo các hệ thống máy tính ở Mỹ và châu Âu đã bị ảnh hưởng, nhưng hãng hàng không của họ vẫn hoạt động bình thường và các tài xế vẫn đang trên đường giao hàng. UPS cũng cho biết họ đang nỗ lực khắc phục sự cố và có thể xảy ra một số chậm trễ.

Hầu hết các tuyến đường sắt và cảng biển đã hoạt động ổn định hơn sau một số gián đoạn vào buổi sáng.

Chỉ có Union Pacific, một trong những hãng đường sắt vận chuyển hàng hóa lớn của Mỹ, báo cáo sự cố liên quan đến lỗi hệ thống CNTT, gây ra nhiều mức độ ảnh hưởng khác nhau trên toàn mạng lưới và một số chậm trễ trong việc xử lý các lô hàng của khách hàng. Tuy nhiên, đến chiều thứ Sáu, Union Pacific thông báo họ đã khôi phục hoạt động và phần lớn hàng hóa của khách hàng đã được vận chuyển bình thường.

Các hãng vận tải hàng hóa lớn khác như CSX, Norfolk Southern và BNSF (công ty con của Berkshire Hathaway) cho biết hoạt động của họ không bị ảnh hưởng.

Bộ trưởng Buttigieg lưu ý rằng tại các cảng, những vấn đề nhỏ có thể nhanh chóng trở thành vấn đề lớn. Ông cho biết mặc dù tàu và cần cẩu vẫn hoạt động, nhưng sự cố ở các cổng đã ảnh hưởng đến việc ra vào của xe tải, gây ra chậm trễ tại một số cảng. Tuy nhiên, các cảng hiện đã hoạt động trở lại bình thường.

Cảng Houston, cảng lớn thứ 5 ở Mỹ, cho biết họ đã gặp sự cố hệ thống nghiêm trọng qua đêm, nhưng hiện đã khắc phục và hoạt động gần như bình thường.

Cảng Los Angeles, cảng lớn nhất nước Mỹ, xác nhận với CNBC rằng một trong những nhà ga của họ, APM Terminals, đã tạm thời ngừng hoạt động nhưng đã nhanh chóng được khôi phục vào sáng sớm.

Ông Mario Cordero, Giám đốc điều hành cảng Long Beach, cho biết một số nhà ga của họ bị ảnh hưởng nhẹ, nhưng các hệ thống đã được phục hồi hoặc đang trong quá trình hoạt động trở lại.

Cảng New York và New Jersey cũng gặp sự chậm trễ trong việc mở hai nhà ga, nhưng sau đó đã hoạt động trở lại bình thường trong vòng vài giờ.

Bà Bethann Rooney, Giám đốc tại Cơ quan Cảng New York và New Jersey, cho biết họ đã phản ứng nhanh chóng và hiệu quả để khôi phục hoạt động vận chuyển hàng hóa. Tất cả các bến cảng biển đã hoạt động trở lại vào lúc 8 giờ sáng. Cơ quan Cảng vụ không bị ảnh hưởng bởi sự cố này.

Không phải tất cả các cảng đều sử dụng hệ thống có phần mềm CrowdStrike, nên cảng Savannah và cảng Virginia vẫn hoạt động bình thường.

Bà Emily Stausbøll, Chuyên gia phân tích vận chuyển tại Xeneta, cho biết sự cố CNTT này có thể gây ra gián đoạn nghiêm trọng tại các cảng nếu tàu không thể bốc dỡ container, và ảnh hưởng dây chuyền đến toàn bộ chuỗi cung ứng.

"Ngoài ra, nếu xe tải và tàu hỏa không thể nhận và trả hàng tại cảng, chuỗi cung ứng nội địa cũng sẽ bị ảnh hưởng," Stausbøll nói.

Bà cũng nhắc lại sự cố hồi tháng 5, khi cảng Charleston trên bờ biển phía đông nước Mỹ phải đóng cửa hai ngày do lỗi phần mềm, khiến tình trạng tắc nghẽn tăng 200%. "Tắc nghẽn cảng là một vấn đề lớn trong năm 2024. Mặc dù tình hình đang dần cải thiện, nhưng hệ thống vẫn chưa ổn định và bất kỳ sự gián đoạn nào cũng có thể khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn", bà nói.

Công ty dữ liệu hàng hải Kpler cho biết các dấu hiệu ban đầu cho thấy sự cố CNTT toàn cầu đã ảnh hưởng đến hoạt động tại nhiều cảng trên thế giới, bao gồm cảng Gdansk của Ba Lan, và các cảng Dover, Felixstowe và Liverpool ở Anh.

Cảng Rotterdam, cảng lớn nhất châu Âu, đã thông báo cho khách hàng về khả năng gián đoạn dịch vụ. Tuy nhiên, người phát ngôn của cảng cho biết các hoạt động quan trọng vẫn diễn ra bình thường, mặc dù một số công ty trong cảng, bao gồm cả một nhà ga container, đang gặp sự cố và phải điều chỉnh quy trình làm việc.

Ông Matt Wright, Chuyên gia phân tích vận tải hàng hóa tại Kpler, nhận định rằng sự cố có thể gây ra một số chậm trễ tại các cảng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, với việc Microsoft và Crowdstrike đã triển khai bản vá lỗi, hoạt động của các cảng dự kiến sẽ sớm trở lại bình thường và không gây ra tình trạng ùn tắc đáng kể.

Đức Huy