Cổ phiếu ngành bán lẻ, hàng tiêu dùng lần lượt 'vào sóng'
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng điểm khả quan trong những tháng đầu năm. Tính đến phiên sáng 21/8, VN-Index đạt trên 1.273 điểm, cao hơn khoảng 13% so với đầu năm.
Ngành bán lẻ, hàng tiêu dùng ghi nhận nhiều đại diện đã thu hút dòng và tăng tốt hơn thị trường chung, kể đến MWG, PNJ, MCH hay FRT.
Cổ phiếu của Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) tăng đều đặn trong suốt 8 tháng. MWG đang được giao dịch quanh 69.700 đồng/cp, tăng 64% kể từ đầu năm.
Con số này tại cổ phiếu FPT Retail (FRT) là 72% và Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) là 26%. Đà tăng của FRT chủ yếu rơi vào quý I. Đối với PNJ, mã này tăng nhanh vào quý I, sau đó đi ngang, và tiếp tục bứt phá trong một tuần gần đây.
Cổ phiếu của Masan Consumer (MCH) tăng khả quan nhất nhóm, với 149%. MCH đã liên tục tăng bất chấp diễn biến của thị trường chung, qua đó gia nhập nhóm ba chữ số (100.000 đồng/cp trở lên).
MCH, FRT và PNJ đang liên tục lập đỉnh mới, trong khi MWG đạt mức cao nhất trong gần một năm.
Nhóm vốn hóa lớn hơn như Vinamilk (VNM), Sabeco (SAB) hay Masan Group (MSN) "bắt sóng" chậm hơn.
VNM sau những tháng đầu tháng đi ngang đã nổi sóng tăng khoảng 15% trong một tháng gần đây. Cổ phiếu ngành sữa quay lại làm đầu tàu hỗ trợ thị trường, với đóng góp hơn 5 điểm cho đà tăng của VN-Index (cao hơn 4,8 điểm của VCB hay 4 điểm của GAS).
Với SAB và MSN, hai mã này chớm tăng dưới 10% tính từ đầu tháng 8 đến phiên sáng 20/8, gần như tương đồng với đà hồi phục của thị trường chung. Kể từ đầu năm, MSN mạnh hơn thị trường chung với mức tăng 16%, trong khi SAB giảm 3% thị giá.
Thanh khoản là điểm đáng chú ý với nhóm ngành bán lẻ, hàng tiêu dùng. Với MWG, FRT và PNJ, dòng tiền rót vào dồi dào và khá đều đặn, qua đó nâng giá cổ phiếu đi lên.
MCH chứng kiến thanh khoản sôi động nhất vào ba tháng giữa năm (tháng 5, 6, 7), với khối lượng giao dịch bình quân phiên hơn 200.000 cp, gấp đôi bình quân năm. Diễn biến này xảy đến quanh thời điểm cổ đông thông qua chủ trương niêm yết tại cuộc họp thường niên (MCH hiện được giao dịch tại UPCoM).
Tín hiệu thanh khoản khởi sắc cũng đến với VNM trong một tháng gần đây. Riêng phiên 31/7, VNM khớp lệnh kỷ lục (của cổ phiếu này) với trên 21 triệu cp.
Kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng kinh doanh nửa cuối năm
Xét góc độ hoạt động kinh doanh, 2024 tiếp tục được kỳ vọng là năm tăng trưởng của ngành bán lẻ, hàng tiêu dùng, trong bối cảnh nền kinh tế dần hồi phục rõ hơn, sức mua của người dân tăng lên sau các biện pháp cải cách, kích cầu.
Theo dữ liệu của Tổng Cục Thống kê, 7 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 475.300 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 301.600 tỷ đồng, tăng 10,1% (trong đó lương thực, thực phẩm tăng 12,3%).
Với các doanh nghiệp niêm yết nêu trên, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 6 tháng đầu năm đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.
FPT Reail đã chuyển lỗ sang lãi trong nửa đầu năm. Kết quả này đến từ việc chuỗi nhà thuốc Long Châu tăng trưởng 67% doanh thu. Trong khi đó, doanh nghiệp đã cơ cấu xong chuỗi FPT Shop bằng việc đóng các cửa hàng kém hiệu quả.
Thế Giới Di động có quý II lãi cao nhất 9 quý. Từ đó, lãi ròng 6 tháng đạt gần 2.100 tỷ đồng, bỏ xa con số 39 tỷ đồng của cùng kỳ 2023.
Vinamilk và Masan Consumer có mức lãi tuyệt đối cao nhất với gần 4.900 tỷ đồng và trên 3.400 tỷ đồng. So với cùng kỳ, các chỉ tiêu này tăng trên 19% và 13%.
Sabeco gặp phải quy định về nồng độ cồn. Kết quả chỉ tăng trưởng lãi 6% khi đặt cạnh các đơn vị nêu trên cho thấy tình hình kinh doanh chưa thực sự khởi sắc của ông lớn ngành bia.
Với mức nền thấp từ năm 2023, nhiều khả năng các doanh nghiệp bán lẻ sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng ở nửa cuối năm 2024.
Báo cáo ngành bán lẻ tháng 7 của KSBV nhận định kết quả kinh doanh các doanh nghiệp bán lẻ đều đã có sự phục hồi so với mức nền thấp cùng kỳ.
Các doanh nghiệp bán lẻ hàng tiêu dùng thiết yếu như chuỗi Winmart của Masan Group, chuỗi Long Châu của FPT Retail, chuỗi Bách Hoá Xanh của Thế Giới Di Động đều giữ được đà tăng trưởng doanh thu tích cực.
Các công ty liên quan đến mặt hàng ICT như Thế Giới Di Động, FPT Retail, Digiworld (DGW) nhìn chung đều đã cải thiện kết quả kinh doanh sau khi kết thúc cuộc chiến giá và nhu cầu cũng đã bắt đầu hồi phục trở lại.
Với ngành bán lẻ trang sức, Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận nhờ thị trường vàng sôi động cũng ghi nhận tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ và duy trì lợi nhuận so với cùng kỳ.
Theo các chuyên gia phân tích, sức mua hồi phục chậm tuy nhiên mỗi doanh nghiệp bán lẻ lại có những câu chuyện kỳ vọng khác nhau.
Triển vọng hồi phục của sức mua nhờ những yếu tố tích cực như cải thiện sản xuất, xuất khẩu. Tuy nhiên KBSV vẫn duy trì quan điểm sức mua toàn thị trường vẫn sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm.
Với mức nền thấp từ năm 2023, dự báo các doanh nghiệp bán lẻ sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng ở nửa cuối năm 2024.
“Mỗi doanh nghiệp bán lẻ lại có những câu chuyện riêng để kỳ vọng vào tăng trưởng. Triển vọng hồi phục kết quả kinh doanh sẽ còn kéo dài đến năm 2025.”, KBSV nhận định.
KBSV đánh giá, ngành bán lẻ Việt Nam có nhiều cơ hội thu hút dòng tiền lớn trong tương lai. Thị trường cũng đang đón chờ những thương vụ IPO của các công ty bán lẻ lớn trong nước như Masan Group (The CrownX), FPT Retail (Long Châu) hay Thế Giới Di động (Bách Hóa Xanh, EraBlue).