|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu đất hiếm tăng giá sốc sau đe dọa giảm nguồn cung từ Trung Quốc

18:57 | 29/05/2019
Chia sẻ
Giá các cổ phiếu của doanh nghiệp khai thác đất hiếm tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã đột ngột tăng sốc hôm nay 29/5 sau khi Bắc Kinh úp mở đe dọa cắt giảm nguồn cung đối với các loại khoáng sản này.

Tại Trung Quốc, giá cổ phiếu JL Mag Rare-Earth tăng khoảng 10%, trong khi một cổ phiếu doanh nghiệp đất hiếm khác là Innuovo Technology cũng tăng 9,95%. Cổ phiếu Lynas tại Australia – một trong số ít doanh nghiệp đất hiếm hoạt động ngoài Trung Quốc – vọt lên tới hơn 15%.

Tại Việt Nam, cổ phiếu MSR của CTCP Tài nguyên Masan (Masan Resources) cũng tăng kịch trần 14,7% trong phiên 29/5 với thanh khoản cao đột biến.

Trước đó, một quan chức chính phủ Trung Quốc đã xuất hiện trên đài truyền hình CCTV và phát biểu rằng các sản phẩm được làm từ đất hiếm không nên được sử dụng vào các mục đích chống lại sự phát triển của Trung Quốc.

Trên tài khoản mạng xã hội Twitter, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times) của Trung Quốc - ông Hồ Tích Tiến nhận định Bắc Kinh "đang nghiêm túc cân nhắc" hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ.

Những phát biểu này được coi là lời đe dọa nhằm vào Mỹ và các doanh nghiệp công nghệ của Mỹ vốn phụ thuộc rất lớn vào loại khoáng sản này. Theo thống kê, 80% nguồn đất hiếm Mỹ nhập khẩu trong giai đoạn từ 2014-2017 là từ Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đến thăm một nhà máy khai thác và xử lí đất hiếm, càng khiến nhiều người suy đoán rằng Trung Quốc có thể nâng giá bán và/hoặc hạn chế nguồn cung đất hiếm để đáp trả Mỹ nếu chiến tranh thương mại tiếp tục lan rộng.

Cổ phiếu đất hiếm tăng giá sốc sau đe dọa giảm nguồn cung từ Trung Quốc - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đến thăm một nhà máy khai thác và xử lí đất hiếm ngày 20/5. Ảnh: Handout.

Hiện nay, Trung Quốc là nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới. Đây là loại nguyên liệu đầu vào không thể thiếu để sản xuất hàng loạt sản phẩm công nghệ từ điện thoại thông minh đến xe điện. 

Các doanh nghiệp sản xuất hàng công nghệ của Mỹ phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc để cho ra sản phẩm. Nếu Trung Quốc cắt giảm nguồn cung loại đầu vào này, các doanh nghiệp Mỹ ắt sẽ bị ảnh hưởng.

Tình thế lặp lại

Một nhà phân tích cho biết việc Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế và chuỗi cung ứng để gây áp lực chính trị không phải là hiện tượng mới.

Ông Fraser Howie, một nhà phân tích độc lập, nhận xét: "Chúng ta đã trải qua những tình cảnh tương tự".

Năm 2010, Trung Quốc cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản sau khi chính quyền Tokyo bắt giữ một thuyền trưởng tàu đánh cá người Trung Quốc.

Trung Quốc cũng từng áp lệnh hạn chế gắt gao lượng cá hồi nhập khẩu  từ Na Uy – một hành động được cho là để trả đũa việc một ủy ban của Na Uy trao giải Nobel Hòa Bình năm 2010 cho một người bất đồng chính kiến với Trung Quốc.

"Từ những ví dụ này, chúng ta có thể thấy các nước không nên để Trung Quốc nắm vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng của mình", ông Howie nói, "Đừng quá phụ thuộc vào Trung Quốc".

Cổ phiếu đất hiếm tăng giá sốc sau đe dọa giảm nguồn cung từ Trung Quốc - Ảnh 2.

Một công nhân trong nhà máy chế biến kim loại Lanthanum thuộc nhóm đất hiếm. Ảnh: Reuters.

Về phần đất hiếm, ông Howie cho biết loại khoáng sản này "có thể được tìm thấy ở rất nhiều nơi. Trung Quốc có năng lực khai thác lớn nhất, chủ yếu là bởi Mỹ cắt giảm khai thác vì lí do môi trường".

Một nhà phân tích khác – ông Alastair Newton tại hãng tư vấn Alavan Business Advisory cho rằng: "Lĩnh vực công nghệ chính là bãi chiến trường giữa Mỹ và Trung Quốc cho dù hai bên có đạt được một thỏa thuận song phương về hàng hóa".

Song Ngọc