Cổ phần hóa DNNN: cần chú ý đến lãnh đạo doanh nghiệp
Cổ phần hóa DNNN: cần chú ý đến lãnh đạo doanh nghiệp |
Trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), lý thuyết và kinh nghiệm quốc tế cho thấy có ba rào cản lớn cần được giải quyết là: lãnh đạo doanh nghiệp, người lao động, và quan hệ tín dụng với ngân hàng. Bài viết này nhằm lý giải phần nào ý đồ của lãnh đạo doanh nghiệp khi sốt sắng hay lảng tránh việc thực hiện cổ phần hóa DNNN, và đưa ra một số gợi ý để việc thực hiện cổ phần hóa DNNN được hiệu quả hơn, tránh thất thoát tài sản của Nhà nước.
Lợi ích riêng của lãnh đạo doanh nghiệp trong việc cổ phần hóa chậm/nhanh
Lãnh đạo DNNN được gì khi trì hoãn cổ phần hóa? Theo lý thuyết quyền bổ nhiệm chính trị (political patronage) của Shleifer và Vishny (1994), các lãnh đạo DNNN sử dụng quyền của mình trong việc tạo việc làm, phân phối các lợi ích để tập trung sự ủng hộ, từ đó duy trì quyền lực của mình, thậm chí nhằm mục đích thăng tiến trong sự nghiệp. Vì vậy, đối với nhiều lãnh đạo DNNN, càng kéo dài vai trò lãnh đạo tuyệt đối của mình ở doanh nghiệp thì càng thỏa mãn nhiều hơn lợi ích cá nhân của những người này. Không những thế, trách nhiệm giải trình của lãnh đạo DNNN chưa được quan tâm đúng mức nên làm lãnh đạo DNNN ở Việt Nam quan trọng là thu xếp được các mối quan hệ chính trị, còn hiệu quả hoạt động kinh doanh và quản trị doanh nghiệp trở thành thứ yếu, và đối với nhiều lãnh đạo thì nhiệm vụ này quá sướng và dễ dàng.
Một lý giải khác là xã hội Việt Nam quá chú ý đến địa vị xã hội của một cá nhân. Chẳng hạn, lãnh đạo DNNN ở địa phương, dù quy mô nhỏ nhưng vẫn được chế độ xe riêng, tài xế riêng và được linh hoạt nhiều trong “chi tiếp khách” hay các khoản chi tiêu khác, khiến họ không chỉ “rất oai” trong mắt những người xung quanh mà còn có nhiều điều kiện để tư lợi. Với những lợi ích hữu hình và vô hình kể trên, việc thực hiện cổ phần hóa là rất khó, trừ khi lợi ích từ việc cổ phần hóa có thể bù đắp hay vượt trội những lợi ích hiện hữu.
Nhưng ở một khía cạnh khác, nhiều lãnh đạo DNNN lại sốt sắng trong việc thực hiện cổ phần hóa. Lý do chính là họ phải tranh thủ trong nhiệm kỳ của mình, thực hiện cổ phần hóa nhanh với mục tiêu mua nhiều cổ phần nhất có thể với giá thấp nhiều so với giá trị thực của doanh nghiệp. Cụ thể, việc định giá DNNN là phức tạp nên phương pháp thường được áp dụng là định giá tài sản ròng, tức tổng giá trị tài sản theo sổ sách (gồm khấu hao), trừ đi toàn bộ nợ. Phương pháp này có một điểm yếu là dựa trên số liệu sổ sách, nên lãnh đạo doanh nghiệp có thể dùng các thủ thuật kế toán để giảm giá trị của doanh nghiệp. Ngoài ra, DNNN thường được giao quyền sử dụng đất khá nhiều, mà khi cổ phần hóa, các giá trị này không được tính vào giá trị doanh nghiệp, nên tạo ra một kẽ hở rất lớn làm thất thoát tài sản của Nhà nước.
Chú ý hơn đến lãnh đạo doanh nghiệp
Tầm quan trọng của việc cổ phần hóa hay thoái vốn nhà nước đã được thể hiện trong các chỉ đạo quan trọng như Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN ở Hội nghị Trung ương 5 khóa XII, Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều lãnh đạo DNNN đã cố tình trì hoãn hay nhanh chóng thực hiện cổ phần hóa để tư lợi, làm thất thoát tài sản của Nhà nước. Căn cứ vào tình hình cụ thể của từng doanh nghiệp, một số nguyên tắc có thể áp dụng như sau:
Trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp cố tình trì hoãn:
Thứ nhất, thông tin cổ phần hóa phải được thông báo công khai minh bạch, trên một cổng thông tin quốc gia, để tất cả nhà đầu tư có thể tiếp cận (kể cả bằng tiếng Anh cho nhà đầu tư nước ngoài). Rất nhiều DNNN thuộc quyền quản lý của địa phương, khi cổ phần hóa, thông tin dường như được công bố trong một phạm vi rất hẹp.
Thứ hai, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển, cũng như nhà đầu tư nước ngoài, tạo sức ép cạnh tranh đối với các DNNN trong cùng lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Có như vậy, lãnh đạo DNNN mới thấy yêu cầu cổ phần hóa cấp thiết hơn.
Thứ ba, việc định giá DNNN cần thực hiện theo nhiều phương pháp khác nhau, trong trường hợp cần thiết có thể có hai hay nhiều đơn vị định giá độc lập để việc định giá được thực hiện nhanh chóng.
Thứ tư, đối với những lãnh đạo doanh nghiệp còn lưỡng lự sợ “mất quyền”, có thể có cơ chế ưu tiên trong việc mua cổ phần hay đảm bảo vị trí lãnh đạo sau cổ phần hóa trong một thời hạn nhất định, nếu không, có thể bù đắp bằng một khoản thù lao hậu hĩnh.
Cuối cùng, là thực hiện quyết liệt mệnh lệnh chính trị. Vì các lãnh đạo DNNN luôn kiêm nhiệm vai trò lãnh đạo cơ sở Đảng nên cần thực hiện nghiêm trách nhiệm giải trình, nếu không thực hiện đúng kế hoạch cổ phần hóa thì coi như không hoàn thành nhiệm vụ chính trị.
Trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp muốn cổ phần hóa nhanh để tận dụng mua doanh nghiệp giá rẻ:
Thứ nhất, việc định giá và đấu giá cổ phần doanh nghiệp cần công khai minh bạch theo nguyên tắc thị trường. Trong đó, quan trọng nhất là các giá trị không được tính hay tính toán không đủ trong sổ sách kế toán như quyền sử dụng đất, thương hiệu, lợi thế cạnh tranh...
Thứ hai, đối với các doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, nên thực hiện cổ phần hóa dần dần để đảm bảo lợi ích của Nhà nước. Đối với các doanh nghiệp yếu kém, có thể tái cấu trúc, thuê tư vấn bên ngoài, thậm chí thuê lãnh đạo để cải thiện tình hình kinh doanh, nâng cao giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa.
Sau cùng, các quy định giám sát về giao dịch, chuyển nhượng cổ phần cần rõ ràng và chặt chẽ, tránh trường hợp “đứng tên giùm” nhằm giấu thông tin của người sở hữu thực cổ phần doanh nghiệp.
Như vậy, quá trình cổ phần hóa DNNN cần được giám sát chặt chẽ, vì thực hiện nhanh hay chậm do có chủ ý của lãnh đạo doanh nghiệp đều có thể phát sinh sai phạm làm thất thoát tài sản của Nhà nước. Điểm mấu chốt là việc cổ phần hóa cần được thực hiện công khai, minh bạch, theo nguyên tắc thị trường, và lãnh đạo doanh nghiệp phải có trách nhiệm giải trình. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý đến việc hài hòa lợi ích cá nhân của lãnh đạo doanh nghiệp, hướng đến giải pháp các bên cùng có lợi (Nhà nước - lãnh đạo doanh nghiệp - người lao động). Ngoài ra, cũng cần phát triển thị trường cạnh tranh thông qua khuyến khích khu vực tư và nhà đầu tư nước ngoài, giám sát chặt chẽ thị trường tài chính, trong đó có việc giám sát hoạt động mua bán cổ phần.
Cổ phần hóa: Cần cây gậy hơn củ cà rốt Để việc cổ phần hóa được tiến hành suôn sẻ và đúng tiến độ, chỉ có cách dùng một cây gậy chính sách thật mạnh. |
Vì sao 81 doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương chưa thể niêm yết dù đã cổ phần hóa? Bộ Công thương dẫn đầu các bộ, ngành về số lượng doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa thực hiện niêm yết. |
20 lĩnh vực sự nghiệp công lập được chuyển thành CTCP Thủ tướng đã ban hành tiêu chí, danh mục cho 20 lĩnh vực, ngành chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp công lập thành công ... |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/