Cổ phần hóa: Cần cây gậy hơn củ cà rốt
Nguồn ảnh: vietnhatpetro.com |
Không có cây gậy, lại đối diện với việc mất đi củ cà rốt, tình trạng trì trệ trong việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Tái mãi không thấy chín
Đã từ rất lâu, dư luận không còn phải nghe lời than hài hước "tái cơ cấu nền kinh tế sao mãi không thấy chín?". Tiếc là điều này không đi cùng với sự cải thiện đáng ghi nhận trong công cuộc thay đổi về chất, đưa nền kinh tế Việt Nam tiệm cận những chuẩn mực thông thường của một nền kinh tế thị trường toàn diện. Nút thắt đang nằm ở việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Theo Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển, 6 tháng đầu năm, cả nước mới cổ phần hóa được 6/45 doanh nghiệp, căn cứ vào mục tiêu đặt ra trong năm 2017. Tính trong giai đoạn 2017-2020, còn tới 131 doanh nghiệp nữa cần phải cổ phần hóa.
Trao đổi với NCĐT về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), thẳng thắn phân tích nguyên nhân của thực trạng này. Về mặt khách quan, theo vị chuyên gia, quy trình cổ phần hóa đang được thực hiện không thúc đẩy tính chủ động của doanh nghiệp. Lẽ ra, sau Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg về Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn năm 2016-2020, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, các cơ quan đại diện vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa có định hướng rõ ràng trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp.
Thế nhưng, tiến trình cổ phần hóa vẫn ì ạch từng bước, từ chỉ định doanh nghiệp cổ phần hóa, thành lập ban chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp các cấp... cộng với những ràng buộc để có thể chuyển đổi sang mô hình cổ phần, hay chính thức niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), cổ phần hóa đã chậm lại càng chậm.
Về mặt chủ quan, những “chú rùa” trong cổ phần hóa lại không phải là những gương mặt xa lạ. Ngay từ năm 2011, Hà Nội, TP.HCM, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng... đã được ghi nhận có tiến độ cổ phần hóa ì ạch và hiện trạng này không thay đổi sau 6 năm. Điều này khiến dư luận buộc phải đặt nghi vấn, liệu có hay không sự trì trệ một cách cố ý từ phía những chủ thể tiến hành cổ phần hóa? Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, nghi ngại trên là có cơ sở. Cổ phần hóa thực chất là quá trình chuyển đổi hình thức sở hữu, từ sở hữu nhà nước sang sở hữu tư nhân. Cùng với quá trình này, quyền đại diện chủ sở hữu ở các doanh nghiệp nhà nước sẽ giảm thiểu, dần dần sẽ trao quyền điều hành hoạt động kinh doanh ở các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ cho tư nhân.
‘’Các cấp, các địa phương tâm tư cổ phần hóa rồi thì họ quản gì, làm gì? Người ta cứ níu kéo và làm nhỏ giọt là vì vậy’’, vị lãnh đạo VAFI nói. Hòn đá tảng cản trở quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn đến từ một địa chỉ khác. Báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2015 cho thấy, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có tổng số nợ phải trả lên đến 1,5 triệu tỉ đồng. Bên cạnh đó, theo số liệu của tổ chức tín dụng báo cáo, nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối đến cuối năm 2015 vẫn ở mức trên 10.090 tỉ đồng. Trao đổi với NCĐT, Tiến sĩ Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nói thẳng: ‘’Nhiều doanh nghiệp nhà nước không muốn cổ phần hóa mạnh vì muốn giữ cách quản trị cũ, vốn nhà nước cũ. Khi đó, nhiều cá nhân trong ban lãnh đạo hưởng lợi hơn. Thêm nữa, vẫn có những nhóm lợi ích e ngại khi cổ phần hóa và buộc phải công khai minh bạch, sẽ bị lộ’’.
Tìm cây gậy lớn hơn
Trong tình thế luẩn quẩn nói trên, để việc cổ phần hóa được tiến hành suôn sẻ và đúng tiến độ, chỉ có cách dùng một cây gậy chính sách mạnh. Tiếc là, tư duy về cách quản lý này dù đã xuất hiện từ cả chục năm nay nhưng hiệu lực thực thi chưa được thể hiện rõ ràng. Ông Nguyễn Hoàng Hải nêu ý kiến: ‘’Bao nhiêu năm răn đe cách chức người đứng đầu nếu trì hoãn cổ phần hóa rồi có cách chức ai đâu? Đó là do không kiên quyết. Trong thời gian sắp tới, khi bổ nhiệm lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các bộ ngành, Nhà nước nên bắt cam kết thực hiện mục tiêu hằng năm của địa phương, trong đó có cổ phần hóa. Nếu không thực hiện đúng, phải tự nguyện từ chức”. Lựa chọn một tư lệnh cổ phần hóa cũng là điều nên cân nhắc với điều kiện giao cho họ toàn quyền, bao gồm cả việc đề nghị cách chức những lãnh đạo doanh nghiệp không đi theo chủ trương chung. Nếu làm được như vậy, mục tiêu cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại nền kinh tế năm 2020 mới có hy vọng đạt được.
Học theo kinh nghiệm của Trung Quốc trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là gợi ý của Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Lê Xuân Sang. Theo đó, doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc bị ép phải IPO. Những doanh nghiệp lớn phải IPO ngoài đại lục như ở thị trường Hồng Kông, hay Anh, Mỹ... ‘’Trung Quốc gặp những rào cản cổ phần hóa nghiêm trọng hơn nhưng vẫn làm được. Niêm yết trên thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài thì quản trị tốt hơn, dẫn đến hiệu quả hoạt động kinh doanh cũng tốt hơn nhiều’’, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Trong cuộc trao đổi với NCĐT, cả hai vị chuyên gia đều không đề cập nhiều tới mất mát trong quá trình cổ phần hóa. Mất mát, rơi rụng là tất yếu, hệ lụy chỉ có thể giảm thiểu được nếu tất cả những đối tượng tham gia đều thật công tâm, điều xem ra rất khó đối với bất cứ nền kinh tế nào. Mà càng chậm, thiệt hại của Nhà nước sẽ càng không chỉ là hàng tỉ USD ở những dự án như Đạm Ninh Bình, Gang thép Thái Nguyên 2, Sơ xợi Đình Vũ...
Quan trọng hơn, nếu môi trường kinh doanh tiếp tục bị méo mó bởi những ưu đãi cho đứa con đẻ doanh nghiệp nhà nước, nền kinh tế sẽ không thể tránh khỏi con đường tụt hậu