|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cơ hội xuất khẩu linh kiện ô tô sang EU

11:36 | 17/07/2019
Chia sẻ
Thuế nhập khẩu nhóm hàng linh kiện, phụ tùng ô tô từ VN vào EU sẽ về 0% theo thỏa thuận của Hiệp định thương mại tự do EU - VN (EVFTA). Liệu VN có đón bắt được cơ hội này?
avatar_1563323803646

VN có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu linh kiện ô tô vào EU Ảnh: Đ.M

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2018, nhóm hàng phương tiện vận tải và phụ tùng đạt trị giá xuất khẩu 7,96 tỉ USD, tăng 13,5% so với năm 2017.

6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước đạt 4,24 tỉ USD, đứng thứ 7 trong tốp 10 nhóm hàng xuất khẩu có giá trị cao của cả nước.

Tuy VN phải nhập khẩu lượng lớn hàng linh kiện ô tô phục vụ sản xuất lắp ráp ô tô trong nước, song số liệu trên cho thấy, kim ngạch xuất khẩu linh kiện ô tô của VN cũng khá tốt. Đáng lưu ý, các thị trường nhập khẩu phụ tùng ô tô từ VN tập trung ở Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Đức, Hà Lan, Ý, Singapore, Indonesia, Malaysia... 

Tính chung nhóm thị trường EU, kim ngạch xuất khẩu phụ tùng ô tô đạt hàng tỉ USD mỗi năm.

Mới xuất khẩu các phụ tùng đơn giản

Tuy nhiên, so với thị trường hơn 500 triệu dân như EU thì con số trên là khá khiêm tốn. Thông tin từ Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI), số doanh nghiệp (DN) xin cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) để xuất hàng phụ tùng ô tô sang thị trường EU nói chung còn rất thấp. 

Luật sư Vũ Xuân Hưng, Phó trưởng phòng Pháp chế - Trọng tài (VCCI chi nhánh TP.HCM), thông tin chỉ thỉnh thoảng một vài DN đầu tư nước ngoài xin cấp C/O cho một số sản phẩm như thiết bị cản nước của ô tô đi Ý, thiết bị quạt nước đi Đức... 

“Nói chung không quá nhiều, nhưng đa số là DN nước ngoài đầu tư tại VN sản xuất các mặt hàng xuất khẩu”, luật sư Hưng cho biết. 

Với EVFTA cam kết EU sẽ mở cửa thị trường ô tô cho VN, ô tô con thuộc nhóm hưởng thuế ưu đãi và giảm từ 10% về 0% sau 7 năm, linh kiện phụ tùng ô tô có thuế nhập khẩu từ 3 - 4% sẽ về 0% ngay lập tức khi EVFTA có hiệu lực, theo luật sư Hưng đây chính là cơ hội cho DN VN.

Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng nói thêm, tuy kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU chưa cao như kỳ vọng, nhưng với EVFTA, cơ hội dành cho DN trong nước là rất lớn. Ông Đồng thông tin, VN đang xuất khẩu sang EU những phụ tùng xe hơi khá đơn giản như: máy quạt nước, đầu cản ô tô, ống pô, bố thắng, dây điện, ắc quy, săm lốp, gương kính... 

Nói chung là những phụ tùng ô tô còn sử dụng người lao động nhiều, khá đơn giản về công nghệ, vốn đầu tư không cao và hàm lượng giá trị gia tăng thu về cũng không cao. Chính vì vậy, ngành công nghiệp ô tô trong nước chưa hưởng lợi từ ngành công nghiệp phụ trợ non kém này, bình quân chỉ đạt 28% tỷ lệ nội địa hóa.

Tuy nhiên theo ông Đồng, hiện đang có thông tin một số nhà sản xuất linh kiện của Nhật, Mỹ sẽ rời Trung Quốc để sang các nước Đông Nam Á sản xuất, và đây là thời cơ lớn cho VN. Đó là cơ hội đón dòng đầu tư mới và phát triển công nghệ phụ trợ cho ngành ô tô Việt và xuất khẩu sang EU.

Chậm sẽ vuột mất cơ hội

Theo cam kết của EVFTA, các sản phẩm chỉ có giá trị nguyên vật liệu không có xuất xứ là không vượt quá 45%. Có nghĩa là hàng hóa sang EU, tỷ lệ nguyên vật liệu có xuất xứ từ VN và các nước thành viên EU phải đạt từ 55% trở lên. 

“EU là thị trường lớn về ô tô, với ô tô nguyên chiếc VN khó có cơ hội tiếp cận, ngoại trừ ô tô Vinfast đang có chiến lược sẽ xuất khẩu sang khối này, còn cơ hội xuất khẩu linh kiện sang EU để hưởng thuế 0% là rất lớn cho DN nội địa. 

Với linh kiện đơn giản, VN vẫn có lợi thế hơn các nước EU về giá nhân công, chi phí sản xuất thấp hơn... Nếu không tận dụng, sẽ rất dễ vuột mất cơ hội này”, chuyên gia marketing Vũ Quốc Chinh (Đại học Kinh tế TP.HCM) nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, tại hội thảo “Từ thương chiến Mỹ - Trung đến EVFTA: DN VN tận dụng cơ hội như thế nào?” được tổ chức tại TP.HCM sáng qua (16.7), bà Magdalen Krakowiak, Phó chủ tịch Hiệp hội DN Trung và Đông Âu tại VN, cũng cho rằng cơ hội từ EVFTA đối với VN là chính DN Việt phải tham gia vào được chuỗi cung ứng không chỉ với thị trường toàn cầu mà là thị trường EU. 

Theo bà Magdalen Krakowiak, EU có 500 triệu người tiêu dùng trong khi Mỹ có 350 triệu người tiêu dùng. Sau Singapore, VN là nước thứ hai hưởng lợi từ EVFTA.

 Bà cho rằng các thỏa thuận trong FTA mới ký kết này đầy tham vọng và giúp DN Việt có thể khai thác nguồn lực tại địa phương, nguồn lực tự thân của VN. Không chỉ câu chuyện phụ tùng ô tô mà ngành công nghiệp phụ trợ nói chung là một trong những ngành VN cần tăng tốc đẩy mạnh hơn nữa để tận dụng hết lợi ích từ EVFTA mang lại. 

Còn theo ông Đồng, nhiều DN nhỏ và vừa VN có thể tham gia đầu tư sản xuất linh kiện ô tô, giúp thúc đẩy ngành luyện kim, cơ khí... vừa xuất khẩu, vừa tự chủ được nền kinh tế từ nền công nghiệp phụ trợ.

Nguyên Nga