Thế khó của EU trước căng thẳng Mỹ - Iran
Tổng thống Mỹ Donald Trump
AP đưa tin, kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân cách đây hơn 1 năm, một "quả bom nổ chậm" đã được châm ngòi tại Iran. Ban đầu, có vẻ như các quan chức Iran cho rằng họ có thể chờ đợi ông Trump hết nhiệm kỳ. Họ nói về "sự kiên nhẫn chiến lược" khi chiến dịch tranh cử chức tổng thống tại Mỹ vào năm 2020 đang đến gần.
Tuy nhiên, họ đã không còn nói về điều này khi các lệnh trừng phạt của Mỹ chặn đứng việc buôn bán dầu thô - một hoạt động quan trọng đối với Iran và sau đó bắt đầu nhắm vào Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cùng các quan chức của nước này, trong đó có cả Lãnh tụ tối cao, đại giáo chủ Ali Khamenei.
Ngay sau đó, Tehran chuyển sang nói về "hành động chiến lược" và tiến hành đe dọa phong tỏa eo biển Hormuz - tuyến đường biển vận chuyển dầu mỏ quan trọng của thế giới. Hành động của Mỹ đã dẫn tới việc Iran phá vỡ giới hạn đặt ra đối với kho dự trữ urani được làm giàu ở cấp độ thấp của nước này, được quy định trong thỏa thuận hạt nhân ký kết với các cường quốc thế giới năm 2015.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố rằng từ ngày 7/7, Iran sẽ bắt đầu làm giàu urani "tới bất kỳ mức độ nào mà chúng tôi cần và thấy cần thiết". Những bước đi này sẽ giúp Iran rút ngắn khoảng thời gian 1 năm mà nước này cần để có đủ nguyên liệu chế tạo một vũ khí hạt nhân.
Đối với Iran, bên duy nhất hiện nay có thể ngăn chặn khủng hoảng này leo thang là châu Âu. Trong số các bên tham gia thỏa thuận có Anh, Pháp và Đức, trong khi Liên minh châu Âu (EU) cũng đã hỗ trợ các hoạt động ngoại giao để đi tới thỏa thuận này.
Trong những bình luận công khai, châu Âu là đối tượng mà Iran liên tục hướng tới. Ngày 1/7, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói rằng "các hành động của châu Âu vẫn chưa đủ nên Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ tiếp tục thực hiện các kế hoạch của mình như đã thông báo trước đây".
Maja Kocijancic, người phát ngôn của bà Federica Mogherini - Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU phát biểu ngày 4/7 rằng châu Âu "đã kêu gọi Iran đảo ngược những bước đi này và kiềm chế, không nên có những động thái tiêu cực làm xói mòn thỏa thuận hạt nhân".
Tuy nhiên, chưa rõ châu Âu có thể đề xuất điều gì. Châu Âu đã nhắc tới INSTEX, một cơ chế thương mại giúp các công ty của châu Âu và Iran chuyển hàng hóa ra nước ngoài và thanh toán tiền trong nội bộ nhằm tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Tuy nhiên, câu hỏi vẫn còn để ngỏ là liệu bản thân Iran có xây dựng một hệ thống tương ứng để hỗ trợ thương mại hay không. EU nói rằng INSTEX "đang hoạt động và những giao dịch đầu tiên đang được tiến hành".
Đối với Iran, việc có thể bán dầu thông qua INSTEX hay không vẫn là mối lo ngại hàng đầu. Bộ trưởng Dầu mỏ của Iran Bijan Namdar Zangeneh nói với hãng tin Bloomberg: "Nếu không có một thỏa thuận dầu mỏ, điều rất rõ ràng là INSTEX sẽ không có tác dụng".
Tuy nhiên, Iran có thể đã xuất khẩu một lượng dầu mỏ sang Trung Quốc hồi tuần trước bất chấp các lệnh trừng phạt. Mỹ dường như sẵn sàng trừng phạt INSTEX nếu cơ chế này vượt ra ngoài giới hạn thực phẩm và thuốc men, những thứ Mỹ vẫn cho phép bán sang Iran.
Và cho dù điều đó có xảy ra, cũng không có dấu hiệu nào cho thấy có công ty lớn nào sẵn sàng vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ nhân danh hoạt động ngoại giao của châu Âu, điều mà chính quyền Trump dường như rất vui mừng khi đề cập tới.
Brian Hook, đặc phái viên của Mỹ về Iran, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn tại Paris hồi tuần trước với hãng tin AP: "Chúng tôi đã cho các công ty châu Âu cũng như các công ty và các quốc gia khác trên khắp thế giới một sự lựa chọn - bạn có thể làm ăn với Mỹ hoặc bạn có thể hợp tác với Iran, nhưng bạn không thể chọn cả hai. Và tất cả các công ty của châu Âu sẽ chọn thị trường Mỹ, vốn rộng lớn hơn nhiều so với thị trường của Iran".
Bản thân Tổng thống Trump cũng ngày càng chỉ trích Iran vì không tuân thủ thỏa thuận mà chính ông đã từ bỏ. Ông viết trên trang cá nhân Twitter sáng 4/7: "Iran hãy cẩn thận với những lời đe dọa của mình. Chúng có thể 'gậy ông đập lưng ông' mạnh tới mức chưa ai từng trải qua".
Thế khó của EU trước căng thẳng Mỹ-Iran
Trong bối cảnh khủng hoảng đang gia tăng, Iran đã bắn hạ một máy bay do thám không người lái của Mỹ trị giá hơn 100 triệu USD mà Iran nói rằng đã xâm phạm trái phép không phận của nước này. Mỹ lên tiếng phủ nhận, nói rằng một tên lửa của Iran đã bắn chiếc máy bay do thám của Mỹ ở trong không phận quốc tế trên eo biển Hormuz, nơi 20% lượng dầu mỏ của thế giới được vận chuyển qua lại.
Iran liên tục đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz nếu nước này không thể bán dầu của mình. Trong 2 tháng vừa qua, các cuộc tấn công bí ẩn đã nhằm vào các tàu chở dầu gần eo biển này. Iran phủ nhận việc dính líu tới các cuộc tấn công, trong khi Mỹ cáo buộc Tehran đã gắn bom vào thân các tàu này.
Eo biển Hormuz vẫn mở, nhưng phí bảo hiểm cho các tàu chở dầu đã tăng lên. 80% lượng dầu mỏ được vận chuyển qua eo biển Hormuz sẽ đi thẳng tới châu Á, trong khi đó dầu mỏ từ Saudi Arabia và Iraq được chuyển tới châu Âu.
Nếu "dòng chảy" dầu mỏ qua eo biển này bị ảnh hưởng, chắc chắn giá cả toàn cầu sẽ tăng, gây tổn hại tới người tiêu dùng châu Âu. Anthony H. Cordesman, một nhà phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói: "Đối đầu quân sự giữa Iran, Mỹ và các nước Ả Rập vùng Vịnh về bất kể điều gì, từ thỏa thuận hạt nhân cho tới vấn đề Yemen, có thể dễ dàng leo thang thành một cuộc chiến tranh hỗn hợp có các hình thức tấn công nghiêm trọng hơn nhiều".
Châu Âu nhận thấy mình đang trực tiếp liên quan tới việc ngăn chặn "dòng chảy" dầu thô của Iran ra bên ngoài. Ngày 4/7, các nhà chức trách ở Gibraltar (vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh nằm gần cực Nam bán đảo Iberia, giáp Tây Ban Nha về phía Bắc) đã chặn một tàu chở dầu được cho là đang vận chuyển dầu thô của Iran tới Syria.
Mặc dù Gibraltar nói rằng họ bắt giữ tàu này vì Anh đang thực hiện các lệnh trừng phạt của EU đối với Syria, tuy nhiên thời điểm diễn ra vụ việc đã khiến các quan chức Tehran phải chú ý.
Tuyên bố của Tây Ban Nha rằng vụ bắt giữ tàu chở dầu này được thực hiện theo yêu cầu của Mỹ chắc chắn cũng sẽ thu hút sự quan tâm. Ông Rouhani từng cảnh báo hồi tháng 12/2018: "Nếu một ngày nào đó Mỹ quyết định ngăn Iran bán dầu mỏ, sẽ không có thùng dầu nào được đưa ra khỏi Vịnh Persia".
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/