Cơ hội và thách thức tại các nền kinh tế trọng điểm châu Á năm 2018
Điểm danh 3 rủi ro đe dọa kinh tế châu Á năm 2018 | |
ADB: Kinh tế châu Á tăng trưởng 6% trong năm nay và 5,8% trong năm 2018 |
Châu Á đang có khá nhiều lợi thế nhờ các yếu tố cơ bản ổn định
Từ quan điểm thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Triều Tiên phô diễn sức mạnh quân sự đến nỗ lực giảm nợ công của Trung Quốc - các thị trường mới nổi tại châu Á đang đối mặt với nhiều nguy cơ đe dọa đến tăng trưởng.
Một góc Singapore về đêm. Nguồn: Sam Kang Li/Bloomberg. |
“Trong số các thị trường mới nổi trên thế giới, châu Á đang có khá nhiều lợi thế nhờ các yếu tố cơ bản ổn định. Tâm lý sẵn sàng mạo hiểm vẫn còn khá mạnh nhưng nhà đầu tư cần thận trọng hơn trong nửa cuối năm”, ông Koji Fukaya, giám đốc điều hành FPG Securities Co. tại Tokyo, cho biết.
Chỉ số MSCI EM Asia Index (chỉ số ghi nhận các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn và trung bình tại 9 nền kinh tế mới nổi tại châu Á) tăng vọt đến 40% trong năm 2017, cao hơn 7 điểm phần trăm so với mức tăng của chỉ số MSCI Emerging Markets Index (chỉ số ghi nhận các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn và trung bình tại 24 nền kinh tế mới nổi trên thế giới).
Đồng won Hàn Quốc tăng giá mạnh nhất trong số các đồng tiền châu Á. Trừ đồng rupiah Indonesia và peso Philippines, tất cả các đồng tiền khác của châu Á đều tăng giá. Huy động trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Indonesia, Malaysia và Thái Lan cũng ghi nhận một năm tăng trưởng, trong khi trái phiếu chính phủ Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc sụt giảm.
Sau đây là những xu hướng thị trường đáng chú ý tại một số nền kinh tế châu Á trong năm nay.
Trung Quốc
Trung Quốc chào năm 2018 với những chính sách mới trong cuộc chiến giảm nợ công, trong đó có việc hạn chế đòn bẩy tài chính trên thị trường trái phiếu và xóa bỏ sự phụ thuộc của các ngân hàng nhỏ vào vốn vay ngắn hạn. Chiến dịch này cũng giúp lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng lên cao nhất ba năm qua vào cuối năm ngoái. Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng được cho là đã điều chỉnh chính sách ấn định tỷ giá nhân dân tệ hàng ngày theo hướng “mở” hơn với các yếu tố thị trường.
Các bất đồng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn nằm trong tầm radar của giới đầu tư. Bộ Thương mại Mỹ (DOC) sẽ quyết định có nên đề xuất áp thuế suất nặng lên nhôm và thép nhập khẩu với lý do an ninh quốc gia – động thái được cho là nhắm vào Trung Quốc. Một số cổ phiếu Trung Quốc đại lục sẽ được tính vào các chỉ số MSCI kể từ tháng 5 và nước này cũng có thể được tính vào ít nhất một trong ba chỉ số thị trường trái phiếu chính của thế giới.
Hàn Quốc
Căng thẳng với Triều Tiên tạm lắng dịu sau khi hai bên nối lại đàm phán và Bình Nhưỡng dự kiến sẽ đưa đoàn vận động viên đến Hàn Quốc tham dự Thế vận hội Mùa đông diễn ra tại thành phố PyeongChang từ ngày 9 – 25/2.
Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tiền tệ ngày càng gia tăng khi Hàn Quốc đang cảnh giác trước đà tăng giá của đồng won - đồng tiền châu Á tăng giá mạnh nhất trong năm 2017. Việc này một lần nữa làm dấy lên lo ngại rằng các nhà làm chính sách nước này sẽ can thiệp vào chính sách tiền tệ để bảo vệ xuất khẩu. Bên cạnh đó, các cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do với Mỹ cũng sẽ là điều nhà đầu tư không nên bỏ qua khi nền kinh tế Hàn Quốc vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu.
Trong số các đồng tiền châu Á, chỉ có peso Philippines và rupiah Indonesia mất giá. Nguồn: Bloomberg. |
Ấn Độ
Giá dầu thô tăng cao là rủi ro lớn nhất với nền kinh tế lớn thứ ba châu Á và có thể làm xấu đi tình hình lạm phát và thâm hụt ngân sách của Ấn Độ - quốc gia nhập khẩu ròng dầu thô. Trong khi đó, cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn, nhờ sự ổn định chính trị dưới thời Thủ tướng Narendra Modi, dường như đang giúp thị trường tài sản Ấn Độ hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư.
Indonesia
Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á sẽ tổ chức bầu cử tại 17 tỉnh, 39 thành phố và 115 quận vào tháng 6. Cuộc bầu cử tổng thống sẽ khởi động vào tháng 8 sau khi các đảng đề cử người đại diện của mình. Tuy nhiên, đến tháng 4 năm sau cuộc bỏ phiếu chính thức mới diễn ra. Về chính sách tiền tệ, các chuyên gia kinh tế khá chia rẽ về bước đi tiếp theo của ngân hàng trung ương Indonesia sau hai lần giảm lãi suất trong năm ngoái.
Thái Lan
Nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á cũng sẽ chứng kiến các yếu tố chính trị chi phối khi các cuộc bầu cử được tổ chức nhằm chấm dứt giai đoạn cầm quyền của quân đội kể từ tháng 5/2014.
Giá tài sản tại Thái Lan đã có màn khởi động thuận lợi trong năm 2018 khi giá đồng baht tăng lên cao nhất kể từ tháng 9/2014 và chỉ số chứng khoán SET lên cao kỷ lục. Triển vọng kinh tế Thái Lan vẫn ổn định nhờ xuất khẩu phục hồi và dự án Hành lang Kinh tế Phía đông (EEC) hứa hẹn sẽ tiếp tục giúp nước này thu hút đầu tư.
Malaysia
Malaysia sẽ tổ chức bầu cử vào tháng 8 năm nay, thách thức 60 năm cầm quyền của liên minh Mặt trận quốc gia (BN). Chỉ số chứng khoán FTSE Bursa Malaysia KLCI Index từng ghi nhận tháng tăng điểm mạnh nhất trong 5 năm vào tháng 12/2017 và đà tăng tiếp tục cho đến tuần vừa qua trước dự đoán rằng các công ty có liên hệ với chính phủ sẽ hưởng lợi từ cuộc bầu cử sắp tới. Giá dầu tăng và tăng trưởng cao hơn cũng nâng đỡ giá tài sản tại Malaysia trong năm nay.
Philippines
Các chuyên gia kinh tế dự báo Philippines sẽ tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á trong năm nay, chủ yếu là nhờ chính phủ nước này đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng. Việc thông qua chương trình cải cách thuế sẽ tạo thuận lợi trong thu hút vốn đầu tư hạ tầng, trong khi quy định giảm thuế thu nhập cá nhân sẽ kích thích người dân chi tiêu.
Tuy nhiên, ông Sanjay Mathur – chuyên gia kinh tế về ASEAN và Ấn Độ tại ngân hàng ANZ, cho rằng nền kinh tế Philippines đang đối mặt với nguy cơ tăng trưởng quá nóng và việc chính phủ mạnh tay đầu tư cơ sở hạ tầng có thể làm tăng thâm hụt thương mại và duy trì áp lực giảm giá lên đồng peso.
Philippines là quốc gia có triển vọng tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á. Nguồn: Bloomberg. |
Đài Loan
Kinh tế Đài Loan sẽ chứng kiến sự thay đổi lớn trong năm nay khi ngân hàng trung ương sắp có lãnh đạo mới lần đầu tiên trong 20 năm. Tuy nhiên, chính phủ Đài Loan vẫn chưa công bố người sẽ thay thế Thống đốc Perng Fai-nan, người sẽ về hưu từ ngày 25/2.
Bất kỳ ứng cử viên nào ngồi vào chiếc ghế của ông Perng sẽ phải giữ cân bằng giữa đồng dollar Đài Loan mạnh và tăng trưởng dựa vào xuất khẩu trong bối cảnh Mỹ ngày càng nhạy cảm với các chính sách can thiệp tiền tệ. Về chính trị, các cuộc bầu cử khu vực dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm nay.