Cô gái tạo ứng dụng luyện phát âm tiếng Anh để phục vụ 1,5 tỷ người
Lập trình viên thôi việc để tạo ứng dụng học tiếng Anh miễn phí | |
Mô hình dạy tiếng Anh cho người bận của Wall Street English |
Lớn lên ở Việt Nam cùng các show truyền hình và phim Mỹ, Văn Đỉnh Hồng Vũ luôn mơ về cuộc sống ở xứ cờ hoa.
Song khi tới bang California sau khi Đại học Stanford chấp nhận đơn đăng ký vào năm 2009, kỹ năng nói tiếng Anh của Vân, vốn là một quá trình phát triển liên tục, khiến cô cảm thấy bản thân thua kém mọi người.
“Các giáo sư thường không thể hiểu mỗi khi tôi nói trong lớp. Mặc dù tôi có những ý tưởng hay, họ không chú ý với mức cao nhất. Tôi mất tự tin trong năm đầu tiên”, Hồng Vũ kể.
Văn Đinh Hồng Vũ, người sáng lập ứng dụng học tiếng Anh mang tên ELSA. Ảnh: South China Morning Post. |
Ra trường, Hồng Vũ đảm nhận những công việc có mức lương hậu hĩnh - như trợ lý Tổng giám đốc của tập đoàn vận tải và năng lượng Maersk (hoạt động ở 136 quốc gia), trưởng dự án cấp cao của Booz & Company (một trong 4 tập đoàn tư vấn nổi danh nhất nước Mỹ). Lương cao, triển vọng sáng sủa, song cô vẫn muốn khởi nghiệp để thay đổi cuộc sống của mọi người.
Ứng dụng phát âm tiếng Anh hướng tới 1,5 tỷ người
Trải nghiệm nói tiếng Anh của Hồng Vũ trong năm thứ nhất đại học thôi thúc cô thành lập ứng dụng English Language Speaking Assistant (nghĩa là Hỗ trợ nói ngôn ngữ Anh – viết tắt là ELSA). Ra đời năm 2015, ELSA ứng dụng trí tuệ nhân tạo để giúp người học tiếng Anh cải thiện khả năng phát âm. Nhờ công nghệ học máy (machine learning) do công ty tự phát triển, hệ thống của Elsa có thể tự động phân tích được từng âm để giúp người học biết chính xác họ phát âm sai ở âm nào, rồi nhận hướng dẫn cụ thể (môi di chuyển thế nào, lưỡi uốn ra sao) để phát âm đúng.
“Tôi khảo sát ý kiến mọi người và 90% số họ nói họ cảm thấy sợ hãi khi nói tiếng Anh và không có giải pháp nào giúp họ giải quyết những thách thức ấy”, Hồng Vũ kể. Cô ước tính 1,5 tỷ người đang học tiếng Anh vào một thời điểm bất kỳ.
Phần lớn người học tiếng Anh không thể phân biệt sự khác biệt giữa phát âm đúng và sai. Theo Hồng Vũ, nghe người bản xứ thường xuyên là một giải pháp mà nhiều học viên áp dụng để cải thiện phát âm, nhưng giải pháp đó chỉ phát huy tác dụng nếu người nghe có khả năng thẩm âm tốt.
Hồi tháng 3/2016, ứng dụng ELSA giành giải nhất cuộc thi SXSWedu tại thành phố Austin, bang Texas. Đây là cuộc thi khởi nghiệp về công nghệ giáo dục.
Quỹ Hill Ventures – một công ty chuyên rót vốn cho các start-up ở Đông Nam Á - từng đầu tư 3.2 triệu USD cho ứng dụng.
Ngay trong 24 giờ đầu tiên từ khi ELSA ra mắt, hơn 30.000 thiết bị đã tải ứng dụng. Tính tới ngày 21/12 năm nay, số lượt tải đã vượt 1.000.000. Người dùng tại hơn 90 nước đã sử dụng ELSA. Một số chương trình dạy thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Mỹ đã chọn ELSA là công cụ hỗ trợ ngôn ngữ cho học viên quốc tế. Với những thành tựu ấy, tạp chí danh tiếng Forbes ở Mỹ đã đăng một bài ca ngợi ELSA vào năm 2016.
Mặc dù công nghệ học ngôn ngữ không phải là ý tưởng mới, hành trình khởi nghiệp của Hồng Vũ chỉ là một trong số những câu chuyện thành công của giới start-up Việt Nam trong vài năm gần đây.
Hành trình khởi nghiệp gian nan
Không có kinh nghiệm dạy tiếng Anh, đặc biệt là kỹ năng phát âm, nên Hồng Vũ phải xử lý vô số thách thức trong quá trinh phát triển app. Ngay ở Mỹ, những người có nhu cầu học phát âm thường thuê giáo viên. Thuyết phục họ chỉnh phát âm qua app là thách thức đầu tiên.
Thách thức tiếp theo là ứng dụng công nghệ để có hiệu quả tương tác giống chuyên gia luyện giọng. Nếu độ chính xác thấp, người dùng sẽ không tin app có thể mang lại kết quả tốt cho họ. Hàng ngày, Hồng Vũ và các cộng sự liên tục thu thập lượng lớn dữ liệu và sửa lỗi phần mềm để độ chính xác của ELSA đạt mức cao nhất.
Sau đó nhiều chuyên gia ngôn ngữ đồng ý hợp tác với Hồng Vũ. Người quan trọng nhất trong số họ là Paul Merier - chuyên gia huấn luyện giọng ở kinh đô điện ảnh Hollywood. Nhiều thương hiệu lớn từng thuê ông lồng tiếng cho các video quảng cáo. Khi biết tiếng tăm của Paul Merier, Hồng Vũ đã gửi e-mail để liên hệ và giải thích về mục tiêu của ứng dụng mà cô tạo ra. May mắn thay, sau nhiều lần trao đổi qua thư điện tử và một cuộc điện thoại, Paul đồng ý hỗ trợ cô. Lý do là mục tiêu của ELSA trùng với nguyện vọng cả đời của ông.
"Paul từng gặp nhiều người thông minh, có chuyên môn cao nhưng kỹ năng tiếng Anh kém đã cản trở cơ hội tiến xa của họ. Vì thế, ông muốn có hàng triệu người giống như ông để hàng triệu người trên hành tinh có thể nói tiếng Anh chính xác hơn. Paul nghĩ ứng dụng ELSA giúp ông biến giấc mơ của bản thân thành hiện thực", Hồng Vũ giải thích.
Vào năm 2016, số người dùng ELSA tại Việt Nam đạt khoảng 30-35% tổng số người dùng toàn cầu. Việt Nam là nơi đầu tiên Hồng Vũ thử nghiệm ứng dụng. ELSA cũng thu hút nhiều người dùng ở Thái Lan, Nhật Bản, Trung Đông và Châu Âu.
Hồng Vũ nói ELSA chưa thể phản hồi chính xác 100%, nhưng càng tiếp nhận nhiều dữ liệu, độ chính xác của nó càng tăng.
Mục tiêu lớn nhất của Hồng Vũ là giúp người học tiếng Anh ở Việt Nam chỉnh phát âm trước tiên. “Tôi muốn người dân quê hương có thể học tốt tiếng Anh để đón những cơ hội mới trong đời", Hồng Vũ thổ lộ.
Xem thêm |