|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Có dòng tiền chuyển từ chứng khoán sang vàng?

16:30 | 05/11/2024
Chia sẻ
Chuyên gia cho rằng có thể xuất hiện dòng tiền từ kênh chứng khoán chuyển qua vàng để đa dạng hoá danh mục. Nhưng lượng tiền đó không nhiều, vì mua vàng không phải là dễ, nhất là khi vàng đang ở mức đỉnh, rủi ro lớn.

 

Tại Talkshow "Vàng lập đỉnh, chứng khoán èo uột: Đâu là cơ hội?" do Báo Người Lao động tổ chức, trả lời câu hỏi liên quan đến việc liệu có dòng tiền chuyển từ chứng khoán sang vàng hay không, các chuyên gia cho rằng có hiện tượng này nhưng không nhiều. Vấn đề này được đưa ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán nhiều lần nỗ lực vượt qua mốc 1.300 nhưng đều thất bại. Trong khi đó, giá vàng liên tục tăng mạnh. Đặc biệt là vàng nhẫn khi liên tiếp thiết lập các kỷ lục mới.

Theo ôngPhan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn Công ty chứng khoán Maybank cho biết lượng tiền mặt ở tại các công ty chứng khoán để sẵn sàng mua cổ phiếu hiện đang ở mức rất cao.

"Tại thị trường Việt Nam, có thể xuất hiện dòng tiền từ kênh chứng khoán chuyển qua vàng để đa dạng hoá danh mục. Nhưng lượng tiền đó không nhiều, vì mua vàng không phải là dễ, nhất là khi vàng đang ở mức đỉnh, rủi ro lớn. Để lãi 10% từ đầu tư vàng tại Việt Nam không phải dễ bởi chênh lệch mua - bán lớn; đồng nghĩa với việc, giá vàng chiều mua vào phải tăng khoảng 15%", ông nói.

Ngoài ra, so sánh với các kênh đầu tư khác, vàng không đem lại lợi suất trong quá trình chờ tăng giá giống như các kênh đầu tư khác. 

"Khi đầu tư cổ phiếu, hay bất động sản, nhà đầu tư vẫn thu được khoản cổ tức hay tiền cho thuê đất, nhà trong lúc chờ giá tăng. Còn với vàng thì hoàn toàn không thể, thậm chí nhà đầu tư còn mất thêm tiền nếu đem đi gửi", ông nói.

Khó để vàng chiếm tỷ trọng cao trong danh mục

Với những rủi ro hiện tại, ông Khánh cho rằng nhà đầu tư ngắn hạn không nên "tất tay" vào vàng và để tỷ trọng tối đa 20% trong danh mục. 

Tuy nhiên, để đạt tỷ trọng này cũng không phải là điều đơn giản vì những rào cản trong việc mua - bán vàng trên thị trường. 

"Vàng không dễ mua, cũng không dễ bán. Để vàng chiếm 20% trong danh mục có giá trị tài sản thuần (NAV) khoảng 5 - 10 tỷ đồng là điều rất khó. Tôi mua được vàng từ ngân hàng nhóm Big 4 nhưng rất khó khăn. 10h đặt mua trên website của một ngân hàng nhưng 10h01 đã báo hết hàng. Tôi canh cả tuần mới mua được 1 lượng. Hôm sau tôi đặt mua tiếp thì ngân hàng thông báo một tháng chỉ được mua 1 lượng. Tôi chuyển qua SJC thì mỗi tháng được mua 2 lượng nhưng cửa hàng thường xuyên hết hàng",  PGS. TS Nguyễn Hữu Huân chia sẻ. 

Việc mua vàng khó khăn đã tạo điều kiện cho loại hình mua bán vàng ở "chợ đen" với mức giá cao hơn nhiều so với giá ở thị trường chính thức.

 

Theo ông Huân, trong bối cảnh thị trường vàng hiện tại ngoài rủi ro liên quan đến việc giá vàng đã neo ở mức rất cao, nhà đầu tư còn phải đối mặt với rủi ro khác liên quan đến chính sách, nhất là khi thị trường đang hình thành 2 giá (chợ đen và chính thức). Theo đó, thời điểm giá vàng tăng lên tới 90 triệu đồng/lượng, nhà đầu tư khó mua vàng ở các các cửa hàng và ngân hàng, họ tìm đến thị trường "chợ đen" với mức giá 92 - 93 triệu đồng/lượng. Do đó, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp tới điều này. 

Bên cạnh đó, việc giá vàng nhẫn đôi lúc cao hơn vàng miếng cũng tiềm ẩn rủi ro về chính sách. 

"Câu hỏi đặt ra là Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp hay không và can thiệp như thế nào? Đây là câu hỏi mà chúng ta không biết được. Một khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp thì nhà đầu tư sẽ gặp rủi ro nếu nắm giữ vàng. Tất nhiên, rủi ro có thể bù đắp bời xu hướng tăng trong trung và dài hạn của giá vàng. Nhưng nhà đầu tư sẽ phải đánh đổi bằng việc chờ đợi giá tăng mà không thu được khoản lợi suất nào giống như cổ phiếu hay bất động sản", ông Huân nói.

 

H.Mĩ