|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cổ đông sở hữu dưới 2.000 cổ phiếu không được dự đại hội, Saigonres có làm trái luật?

08:42 | 08/05/2020
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, việc chỉ cho phép các cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 2.000 cp trở lên tham dự đại hội của Saigonres đi ngược lại nguyên tắc cơ bản trong quản trị công ty đại chúng trong mọi thị trường phát triển: Cổ đông càng nhỏ càng cần được bảo vệ quyền lợi.

Trong thông báo phát đi ngày hôm qua, 7/5, với lí do "để hạn chế nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng", ban lãnh đạo CTCP Địa ốc Sài Gòn (Saigonres - Mã: SGR) chỉ cho phép các cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 2.000 cp trở lên tham dự đại hội thường niên sắp tới.

Thay vào đó, các cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 2.000 cp nếu có ý kiến đóng góp về các vấn đề trong Chương trình họp ĐHĐCĐ gửi thư đến Văn phòng công ty hoặc gửi email trước ngày 6/6. HĐQT sẽ tập hợp các ý kiến đóng góp và đưa vào chương trình thảo luận tại đại hội.

Quyết định của ban lãnh đạo Saigonres ngay lập tức bị cộng đồng nhà đầu tư phản ứng. Nhiều ý kiến cho rằng, cổ đông nhỏ là những người cần được bảo vệ quiền lợi nhất và đáng lí phải được tham dự đại hội so với các cổ đông lớn, bởi các cổ đông lớn thường là cổ đông nội bộ vốn dĩ đã nắm nhiều lợi thế về tiếp cận thông tin hơn so với các cổ đông nhỏ.

Theo qui định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 114 về quiền của cổ đông phổ thông, Luật Doanh nghiệp 2014, cổ đông có quiền tham dự và phát biểu trong các ĐHĐCĐ và thực hiện quyền biểu quiết trực tiếp hoặc thông qua đại diện theo ủy quyền hoặc theo hình thức khác do pháp luật, Điều lệ công ty qui định. Mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quiết.

Trong khi đó, Theo qui định tại Khoản 2, Điều 4, Luật Doanh nghiệp 2014 ghi rõ: “Cổ đông là cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty cổ phần”. Như vậy, mỗi cổ đông, dù chỉ sở hữu một cổ phần cũng có quiền tham dự và biểu quiết tại ĐHĐCĐ theo đúng qui định của pháp luật. 

Thậm chí, theo Điểm e, Khoản 1, Điều 114, cổ đông phổ thông có quyền xem xét, tra cứu, trích lục hoặc sao chụp Điều lệ công ty, biên bản họp Đại hội đồng cổ đông và các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.

Trong trường hợp nếu trình tự, thủ tục triệu tập họp và ra quyết định của ĐHĐCĐ không thực hiện đúng theo qui định tại khoản 147, Luật Doanh nghiệp năm 2014, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng có thể yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài huỷ bỏ Nghị quyết ĐHĐCĐ hoặc một phần Nghị quyết ĐHĐCĐ.

Luật sư: Cổ đông có thể kiện ra toà

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành tại Công ty Luật Basico cho biết, theo qui định của pháp luật, về nguyên tắc cổ đông có quyền dự họp, điều này đã được luật hóa và được qui định cụ thể ở quyền cổ đông phổ thông, không ai làm khác được.

Luật Doanh nghiệp qui định cổ đông nào có quyền dự họp thì doanh nghiệp phải bảo đảm quyền của cổ đông đó, có nghĩa cổ đông sở hữu một cổ phần cũng có quyền dự họp. Điều này không giống như qui định của hiệp hội hay một tổ chức cơ quan xã hội nghề nghiệp.

Đối với tình huống liệu Điều lệ công ty có qui định khác so với Luật Doanh nghiệp hay không, theo Luật sư Trần Minh Hải, tất cả nội dung điều lệ của một công ty được qui định những điều luật cho phép mở rộng nhưng không được gạt bỏ những qui định của luật và không vượt trên nội dung của luật.

Cũng theo Luật sư Trần Minh Hải, nếu công ty chọn phương án hạn chế cổ đông tham dự họp vì COVID-19 như thông báo thì cổ đông có quyền kiện ra tòa trong vòng 90 ngày và nghị quyết đại hội sẽ bị hủy bỏ.

"Việc làm này gây lãng phí cho doanh nghiệp. Do vậy, doanh nghiệp nên làm phương án khác chứ không phải phương án này", Luật sư Trần Minh Hải kết luận.


Ngọc Anh