|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Có bằng MBA của Đại học Harvard, nhưng Michael Bloomberg từng chỉ làm nhân viên kiểm kê

18:47 | 15/09/2019
Chia sẻ
Tốt nghiệp chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) của Đại học Harvard danh giá, chàng trai Michael Bloomberg vẫn đồng ý nhận vị trí kiểm kê cho một ngân hàng trước khi khởi nghiệp và trở thành tỉ phú.

Năm 2018, ông Mike Bloomberg xếp thứ 10 trên bảng xếp hạng người giàu của Forbes với khối tài sản trị giá 40 tỷ USD.

Chàng sinh viên đại học làm nhân viên giữ xe

Sinh ngày 14/2/1942, tỉ phú Michael Bloomberg là thành viên của một gia đình trung lưu tại thành phố Boston, bang bang Masachusetts., Mỹ. Nhưng ông trải qua tuổi thơ ở thành phố Medford, bang bang Masachusetts. 

Là kế toán viên, cha của ông làm việc 7 ngày mỗi tuần tại một công ty sữa địa phương để nuôi gia đình gồm 4 người.

Michael Bloomberg

Tỉ phú Michael Bloomberg. Ảnh: The Verge

Khi học ngành Kĩ thuật điện tại Đại học Johns Hopkins, chàng sinh viên Bloomberg phải làm việc ở bãi giữ xe để kiếm tiền đóng học phí. Sau khi tốt nghiệp năm 1964, ông tiếp tục học và lấy bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Harvard.

Năm 1966, Bloomberg nộp đơn ứng tuyển vào trường đào tạo sỹ quan không quân nhưng trường từ chối vì bàn chân của ông phẳng.

Công việc nhọc nhằn và nhàm chán của nhân viên kiểm kê

Vỡ mộng vào không quân, Bloomberg đến Phố Wall - trung tâm tài chính nước Mỹ - để tìm việc. Dù có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của một trường danh tiếng, ông chỉ bắt đầu bằng công việc đơn giản và tẻ nhạt là kiểm kê sổ sách cho ngân hàng Salomon Brothers.

"Trong căn hầm chứa tiền ngột ngạt, quần áo lót của chúng tôi luôn đẫm mồ hôi mà họ không lắp máy điều hòa không khí. Hàng chiều, chúng tôi phải đếm số lượng trái phiếu và chứng chỉ cổ phiếu trị giá hàng tỷ USD được gửi vào ngân hàng để làm tài sản thế chấp cho các khoản vay qua đêm", ông kể.

Vì Bloomberg làm việc tích cực và hiệu quả, ông thăng tiến nhanh và tích lũy nhiều mối quan hệ. Ông từng bước trở thành một nhà giao dịch trái phiếu và đối tác góp vốn ở Salomon Brothers vào năm 1972. Hồi ấy, ông làm việc 12 giờ mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần. 

Cuối thập niên 70, Bloomberg đảm nhiệm vị trí người đứng đầu bộ phận giao dịch cổ phiếu. Đến năm 1979, ông buộc phải rời bộ phận giao dịch cổ phiếu để vận hành mảng công nghệ thông tin của công ty. Mặc dù sự thuyên chuyển ấy là hành động giáng chức, song nó lại giúp Bloomberg tích lũy nhiều kinh nghiệm quý báu để khởi nghiệp trong tương lai.

Bloomberg 2

Michael Bloomberg khuyên mọi người không nên coi lương là yếu tố quan trọng nhất khi tìm việc. Ảnh: The New York Times

Biến cố xảy ra khi Bloomberg tưởng như đã ở đỉnh cao của sự nghiệp. Ngân hàng Salomon Brothers sáp nhập với công ty giao dịch hàng hóa Phibro Corporation vào cuối tháng 7 năm 1981, Bloomberg thuộc nhóm nhân viên dư thừa và phải ra đi. 

Hành trình khởi nghiệp ở tuổi trung niên

May mắn thay, Bloomberg vẫn có khoản tiền trợ cấp thôi việc 10 triệu USD. Ông quyết định khởi nghiệp với việc lập công ty Innovative Market Solutions để giúp các doanh nhân khai thác dữ liệu dễ dàng hơn trên thị trường chứng khoán. 

Thiết bị đầu cuối Bloomberg (ban đầu có tên gọi MarketMaster) là thành tựu tiếp theo của Bloomberg. Năm 1982, công ty Merrill Lynch mua 22 thiết bị đầu cuối và đầu tư 30 triệu USD cho công ty. Sau đó, Bloomberg đổi tên công ty thành Bloomberg LP.

Vận dụng những bài học từ Johns Hopkins và kinh nghiệm khi còn làm ngân hàng, Bloomberg nhanh chóng phát triển công ty và đưa Bloomberg LP thành một trong những công ty có ảnh hưởng vào những năm 80. 

Năm 1989, giá trị thị trường của công ty đạt 2 tỷ USD. Sau đó Michael tách công ty thành Bloomberg News và Bloomberg TV. 

Trong những năm đầu tiên của thế kỉ 21, Bloomberg quyết định tham gia chính trường với chiến dịch tranh cử chức Thị trưởng thành phố New York. Đắc cử, ông nhậm chức vào năm 2002, khi thành phố đang phải khắc phục hậu quả của cuộc tấn công 11/9. 

Mặc dù chi hơn 650 triệu USD cho cuộc tranh cử, Bloomberg tuyên bố ông sẽ chỉ nhận lương 1 USD/năm trong 12 năm nắm quyền.

Khi phát biểu tại Đại học Villanova vào năm 2017, Bloomberg đã khuyên các ban trẻ không nên chọn việc theo lương, mà nên ưu tiên cơ hội phát triển ở công ty.

"Nếu các bạn ngồi đây vẫn còn băn khoăn về việc sẽ làm gì với cuộc đời, đừng lo lắng. Khi học xong đại học, tôi chẳng biết bản thân muốn làm gì. Sau khi học xong trường Kinh doanh, tôi cũng vẫn chẳng biết bản thân muốn gì", cựu thị trưởng New York thừa nhận.

Huy Văn