|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tỉ phú Uniqlo muốn tìm nữ CEO kế nhiệm

23:44 | 04/09/2019
Chia sẻ
Tadashi Yanai - nhà sáng lập Fast Retailing - công ty mẹ Uniqlo cho rằng một nữ CEO là lựa chọn tốt cho hãng bán lẻ thời trang lớn nhất châu Á này.

"Công việc này phù hợp với một phụ nữ hơn", Yanai giải thích trong một cuộc phỏng vấn, "Họ kiên định, tỉ mỉ và có khiếu thẩm mỹ". 

Gần đây, ông ngày càng nhận được nhiều câu hỏi về người kế nhiệm trong công ty. Ứng cử viên tiềm năng hiện tại là Maki Akaida - người được chỉ định lãnh đạo mảng kinh doanh tại Nhật Bản của Uniqlo. Đây là mảng lãi nhất của công ty.

Yanai cho biết ông muốn tăng tỷ lệ lãnh đạo nữ lên hơn 50%. Fast Retailing hiện có 6 phụ nữ làm lãnh đạo cấp cao. Năm ngoái, họ đã đạt mục tiêu có hơn 30% phụ nữ đảm nhận vị trí quản lý.

Tỷ phú Uniqlo muốn tìm nữ CEO kế nhiệm - Ảnh 1.

Tadashi Yanai - nhà sáng lập kiêm CEO Fast Retailing. Ảnh: Bloomberg

Khi được hỏi liệu Akaida có được chọn làm người kế nhiệm hay không, Yanai cho biết: "Cũng có khả năng". Akaida năm nay 40 tuổi, gia nhập Fast Retailing năm 2001 và hiện quản lý Uniqlo Nhật Bản, Trung Quốc. Bà cũng làm việc tại bộ phận nhân sự và bán hàng của công ty.

Người kế nhiệm Yanai sẽ được thừa kế một trong những thương hiệu Nhật Bản dễ nhận diện nhất trên toàn cầu. Chiến lược của Fast Retailing là tích cực mở rộng thương hiệu Uniqlo ra nước ngoài. Năm ngoái, doanh thu của họ vượt 2.000 tỷ yen (18,9 tỷ USD), chủ yếu nhờ các cửa hàng mới tại nhiều thị trường, từ Mỹ đến Trung Quốc.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang tìm cách tăng số phụ nữ trong lực lượng lao động. Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang phải đối mặt với thiếu hụt lực lượng lao động, do già hóa dân số và tỷ lệ sinh giảm. 

Dân số nước này được dự báo giảm một phần ba năm 2060. Khi đó, khoảng 40% người dân sẽ từ 65 tuổi trở lên. "Lĩnh vực của chúng tôi là kinh doanh quần áo. Vì thế, già đi không phải là điều tốt", Yanai nói.

Hiện tại, chỉ 4,1% phụ nữ Nhật giữ chức vụ lãnh đạo tại các công ty niêm yết. Tỷ lệ này rất thấp so với 25% tại Mỹ.

Kathlyn Collins - nhà phân tích tại Matthews Asia cho biết nhà đầu tư sẽ nhìn vào sự đa dạng giới trong cấu trúc quản trị để định giá. Điều này đặc biệt đúng với các công ty hàng tiêu dùng, cần các lãnh đạo phù hợp và theo sát nhu cầu khách hàng.

"Chúng tôi hy vọng các công ty sẽ có đủ lãnh đạo có kinh nghiệm với cấu trúc dân số này. Họ nên là người quen thuộc với nhu cầu, mong muốn của khách hàng", Collins cho biết.

Yanai cũng cho biết Đông Nam Á đang ngày càng trở thành thị trường quan trọng với Fast Retailing. Họ sẽ đầu tư 1,8 triệu USD hợp tác với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nhằm hỗ trợ các công nhân nhà máy ở Indonesia.

Các khoản đầu tư này sẽ giúp ông đạt cả mục tiêu kinh doanh và trách nhiệm xã hội. "Nếu mở rộng sang các thị trường mà thu nhập người dân không tăng, chúng tôi cũng chẳng bán được hàng", ông nói.

Hà Thu