|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Uniqlo mua cổ phần công ty thời trang Việt Nam

21:47 | 25/10/2018
Chia sẻ
Công ty sở hữu chuỗi bán lẻ thời trang Uniqlo của Nhật Bản vừa trở thành cổ đông sở hữu 35% cổ phần tại Công ty cổ phần Elise, chủ sở hữu chuỗi cửa hàng thời trang nữ Elise tại Việt Nam.
uniqlo mua co phan cong ty thoi trang viet nam
Bà Trần Thị Thanh Thủy tại hội nghị. Ảnh: Minh Tâm

Cơ hội bán vốn cho đối tác ngoại

Bà Trần Thị Thanh Thủy, Vụ chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công Thương đã chia sẻ về thương vụ kể trên tại Hội nghị “Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương – CPTPP: cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam” diễn ra hôm nay, 25-10 tại TPHCM.

Hội nghị “Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP: cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam” do Sở Công Thương TPHCM phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TPHCM tổ chức.

Theo bà Thủy, thương vụ kể trên là một ví dụ cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội thu hút đầu tư từ các đối tác nước ngoài có công nghệ, kinh nghiệm và quy trình quản lý tốt hơn và nguồn vốn lớn.

Trao đổi riêng với TBKTSG Online bên lề hội nghị, bà Thủy cho biết, cho đến thời điểm hiện tại, thỏa thuận đã hoàn thành, tiền đã được chuyển và đây có thể xem là một thương vụ thành công của Elise khi giá trị mà đối tác Nhật trả cho 35% cổ phần trị giá hàng chục triệu đô la Mỹ, cao hơn rất nhiều nếu so sánh với con số vốn điều lệ của Elise.

Quan trọng hơn, theo bà Thủy, với kinh nghiệm kinh doanh quốc tế thì chắc chắn nhà đầu tư này sẽ còn giúp Elise trong quá trình phát triển, nhất là việc bước ra thị trường thế giới.

Elise là thương hiệu thời trang nữ của Công ty cổ phần Elise có trụ sở tại Hà Nội và hiện có hệ thống hơn 100 cửa hàng trên toàn quốc dù tham gia thị trường chưa lâu.

Chủ sở hữu thương hiệu Uniqlo là Fast Retailing là một doanh nghiệp có tiếng trong ngành bán lẻ thời trang không chỉ ở việc có hệ thống hơn 2.300 cửa hàng trên toàn thế giới mà còn ở sự đột phá, nhanh nhạy trong kinh doanh.

Ngoài Uniqlo, công ty này còn có thêm nhiều nhãn hiệu khác. Cách đây chưa lâu, thương hiệu thời trang Uniqlo cũng tuyên bố sẽ mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam ở TPHCM vào năm 2019.

Cũng theo bà Thủy, ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn bài bản đều đang có cơ hội nhận được đầu tư từ các đối tác ngoại. Và xu hướng này, chắc chắn sẽ càng phát triển khi CPTPP chính thức có hiệu lực. Bởi khi đó, ngoài những cam kết mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài thì môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh… của Việt Nam càng được cải thiện.

Đây chính là những lực hút với các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Và lúc đó, cơ hội để các thương hiệu Việt Nam, nhờ sự hỗ trợ về công nghệ, tài chính, kinh nghiệm quản trị của các nhà đầu tư này, vươn ra thế giới càng lớn.

Theo bà Thủy, những ngành sẽ thu hút đầu tư lớn sau CPTPP có hiệu lực có thể kể đế như dịch vụ phân phối, dịch vụ logistics, ngành sản xuất thực phẩm, đồ uống, may mặc, giày dép…

Theo cam kết trong CPTPP, Việt Nam sẽ mở cửa thị trường dịch vụ cho các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, về dịch vụ tư vấn pháp lý thì cho các tổ chức luật sư nước ngoài thực hiện giấy tờ và chứng thực pháp lý đối với hợp đồng thương mại và điều lệ công ty.

Về dịch vụ quảng cáo thì cho thành lập công ty 100% vốn nước ngoài. Về phân phối thì sau 5 năm CPTPP có hiệu lực, Việt Nam sẽ bỏ quy định về kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) khi mở điểm thứ hai đối với nhà đầu tư nước ngoài, cho phân phối gạo và đường.

Bên cạnh đó còn có những cam kết về dịch vụ thông quan và logistics (mở doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài); trò chơi điện tử qua mạng (cho liên doanh 51% vốn sau 2 năm, 100% sau 5 năm)…

Theo bà Thủy, việc mở cửa thị trường như vậy chắc chắn sẽ tạo sức ép với doanh nghiệp trong nước trong việc cạnh tranh, nếu không có sản phẩm dịch vụ tốt thì có thể thua ngay trên sân nhà. Tuy nhiên, thách thức đó cũng chính là sức ép để hoàn thiện, đổi mới, gia tăng nội lực.

Trong khi đó, với các cơ quan nhà nước, nếu không cải thiện môi trường đầu tư, không thực hiện đúng các cam kết một cách nhất quán thì sẽ đứng trước nguy cơ bị nhà đầu tư khởi kiện ra tòa án quốc tế.

Lo bị cạnh tranh không lành mạnh

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TPHCM đặt vấn đề, thời gian qua, Việt Nam rất tích cực đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) và CPTPP là một ví dụ. Câu hỏi là, cơ quan quản lý đã có những chính sách gì để phòng ngừa gian lận thương mại và xuất xứ từ các doanh nghiệp của các quốc gia không tham gia hiệp định nhưng đang đầu tư vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệp định? Nếu để tình trang này xảy ra thì nguy hiểm cho cả nền kinh tế.

Bà Phạm Quỳnh Mai, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công Thương nhìn nhận, đúng là có những rủi ro đó bởi xu hướng các doanh nghiệp từ các quốc gia không tham gia hiệp định sang Việt Nam đầu tư để tận dụng ưu đãi đang diễn ra.

Và để phòng tránh tình trạng gian lận đó thì các cơ quan Chính phủ như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính (cơ quan hải quan) và Bộ Kế hoạch Đầu tư cần phối hợp chặt chẽ. Bản thân Bộ Công Thương đã thành lập Cục phòng vệ thương mại, tách ra từ Cục Quản lý cạnh tranh để đáp ứng tình hình mới.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý sẽ tăng cường cơ chế giám sát thực thi, xử lý theo từng vụ việc cụ thể.

Bà Mai cũng phân tích, khi tham gia các FTA, việc hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với áp lực cạnh tranh là đương nhiên vì cơ cấu hàng hóa thường tương đồng. Đây cũng chính là lý do để Bộ Công Thương phải đàm phán các hiệp định khác nhau nhằm tìm kiếm các thị trường mới theo hướng tránh trùng lặp, bù đắp cho những phần nhập siêu từ hàng hóa các nước khác. Có chồng lấn giữa những hiệp định thì doanh nghiệp sẽ tận dụng những cam kết cao hơn, có lợi nhất.

uniqlo mua co phan cong ty thoi trang viet nam
Doanh nghiệp mong được cơ quan chức năng hỗ trợ thông tin để có thể tận dụng được lợi thế mà hiệp định mang lại. Ảnh: Minh Tâm

Đồng thời, khi các thách thức xuất hiện thì doanh nghiệp phải chấp nhận. Bởi FTA đang là trào lưu không thể tránh khỏi, là giải pháp của nhiều nước khi cam kết WTO đi vào bế tắc. Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng này và đương đầu sớm là cách để đổi mới, tái cơ cấu. Và tham gia càng chậm thì đánh đổi song phương càng nhiều, không nhanh chân thì sẽ càng khó khăn, thua thiệt, e ngại sẽ đánh mất cơ hội.

“Việc đàm phán các FTA là chủ trương từ lãnh đạo cấp cao và Vụ Chính sách thương mại đa biên là đơn vị thực hiện. Chúng ta có chiến lược tham gia FTA”, bà Mai nói.

Cũng theo bà, cơ quan quản lý cũng đang tiếp tục tìm những thị trường mới cho doanh nghiệp, đàm phán với các quốc giá như Thổ Nhĩ Kỳ, Isael, Anh…, là những thị trường tiềm năng cho hàng Việt Nam.

Và dưới góc độ cơ quan Chính phủ, lời khuyên của bà Mai là mỗi doanh nghiệp cần tự có hướng đi riêng. Và muốn như vậy thì phải tìm hiểu sâu về từng FTA, về cơ chế với từng ngành hàng.

Trên thực tế, theo khảo sát của Bộ Công Thương thì trong thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp chưa tận dụng cam kết, thiếu sự chủ động.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ có cổng thông tin điện tử về thực thi FTA để kết nối hỗ trợ doanh nghiệp. Nhưng trước đó, bản thân doanh nghiệp phải chủ động đọc, nghiên cứu trước khi có áp dụng, theo lĩnh vực của mình. Doanh nghệp cũng có thể thông qua hiệp hội ngành hàng để được hỗ trợ thông tin. Ngoài ra thì có thể cân nhắc sử dụng các công ty tư vấn để có hiệu quả cao.

Xem thêm


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Mịnh Tâm

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.