CNBC: Qatar sẽ rút khỏi OPEC vào đầu năm 2019
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad al-Kaabi cho biết quốc gia này sẽ rút khỏi OPEC vào ngày 1/1/2019, chấm dứt tư cách thành viên kéo dài trong hơn một nửa thế kỉ.
Quyết định trên được đưa ra sau khi Qatar xem xét lại cách có thể cải thiện vị thế trên toàn cầu và lên kế hoạch trong dài hạn.
Qatar là một trong những nhà sản xuất dầu nhỏ nhất của OPEC, đặc biệt khi so sánh với Arab Saudi, một trong những quốc gia sản xuất khí đốt hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới.
Cụ thể, Qatar chỉ sản xuất 600.000 thùng dầu/ngày, so với mức 11 triệu thùng/ngày của Arab Saudi.
Hôm 3/12, ông al-Kaabi cho biết động thái này thể hiện một sự thay đổi về kĩ thuật và chiến thuật, và không liên quan tới chính trị. Cũng theo ông al-Kaabi, quyết định này không liên quan tới chính sách tẩy chay kinh tế và chính trị kéo dài trong 18 tháng của Doha.
Ảnh: Gulf Business. |
Kể từ tháng 6/2017, Arab Saudi cùng với 3 quốc gia Arab khác đã chấm dứt quan hệ thương mại và vận chuyển với Qatar, cáo buộc quốc gia này ủng hộ khủng bố và đối thủ của họ trong khu vực là Iran. Qatar đã bác bỏ cáo buộc trên, nói rằng sự tẩy chay này ảnh hưởng tới chủ quyền của họ.
Cuộc gặp mặt cuối cùng trong năm của OPEC được cho là lần tham dự cuối cùng của Qatar. Quốc gia Trung Đông này là thành viên của tổ chức kể từ năm 1961.
Rời OPEC để tập trung vào sản xuất khí đốt
Mặc dù là nhà sản xuất dầu nhỏ nhất của OPEC, Doha là một thành phần quan trọng trên thị trường LNG toàn cầu, với sản lượng hàng năm đạt 77 triệu tấn, dựa trên lượng dự trữ nhiên liện khổng lồ tại vùng Vịnh.
Theo ông al-Kaabi, sau khi rời OPEC, Qatar sẽ tập trung phát triển ngành khí đốt của mình và tăng sản lượng LNG lên tới 110 triệu tấn vào năm 2024.
Qatar Petroleum đã lên kế hoạch tăng công suất từ 4,8 triệu thùng dầu/ngày lên 6,5 triệu thùng trong một thập kỉ tới. Doha cũng dự kiến xây dựng nhà máy hóa dầu lớn nhất Trung Đông, ông al-Kaabi cho biết.
Cuộc gặp mặt trong tháng 12
OPEC và các thành viên ngoài OPEC dự kiến gặp mặt tại Vienna, Áo vào thứ Năm (6/12), với mục đích đạt được thỏa thuận về một đợt giảm sản lượng mới.
Giá dầu đã giảm hơn 25% kể từ khi chạm đỉnh 4 năm vào đầu tháng 10, trong bối cảnh lo ngại về dư thừa cung gia tăng và tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Tuy nhiên, khả năng về một đợt giảm sản xuất mới vào cuối tuần này, cũng như sự thỏa hiệp tạm thời giữa Mỹ và Trung Quốc đã giúp giá dầu tương lai kìm hãm đà giảm trong phiên giao dịch ngày 3/12.
Giá dầu thô Brent giao dịch ở mức 62,25 USD/thùng vào lúc 6h40 (giờ London), tăng khoảng 4,7% trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng hơn 5% lên 53,53 USD.