CNBC: Đông Nam Á khó trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu tiếp theo của thế giới
Mặc dù hoạt động sản xuất sẽ sớm rời khỏi Trung Quốc, Đông Nam Á vẫn không thể trở thành trung tâm sản xuất tiếp theo của thế giới.
Doanh nghiệp dần chuyển hoạt động sản xuất sang Đông Nam Á
"Sự thay đổi đó đang diễn ra", ông Gerry Mattios, Phó Chủ tịch tại công ty tư vấn Bain, cho biết.
"Quay trở lại cuối năm 2018, khi thực hiện một báo cáo tương tự, chúng tôi phát hiện ra rất trên 50% doanh nghiệp đang giữ thái độ trung lập... họ không thực hiện bất kì động thái lớn nào", ông Mattios cho hay trên tờ CNBC hôm nay (8/4).
Tuy nhiên hiện nay, 60% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ đã sẵn sàng hành động bởi họ đã nhìn thấy những cơn gió ngược trên bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp mình. "Họ nhận ra khách hàng phải trả tiền cho điều này, và đang cố gắng xem xét đánh giá lại chuỗi cung ứng của mình".
Chuỗi cung ứng là một mạng lưới giữa công ty và nhà cung cấp để sản xuất, phân phối sản phẩm của công ty đó.
CNBC đưa tin, mặc dù Trung Quốc từng có một lợi thế đáng kể về chi phí, nhờ đó nước này mới trở thành trung tâm sản xuất của thế giới, tuy nhiên lợi ích trên đang bị xói mòn do chi phí tăng lên, ông Mattios nói.
Khảo sát thăm dò hơn 200 giám đốc điều hành và nhân viên chuỗi cung ứng cấp cao tại các công ty đa quốc gia có hoạt động ở Trung Quốc và tìm cách đánh giá quan điểm của những người này về tranh chấp thương mại đang diễn ra giữa Mỹ - Trung Quốc.
Song một số ngành sản xuất sẽ vẫn được duy trì tại Trung Quốc khi nước này chuyển sang hướng kinh tế tiêu dùng. Dây chuyền lắp của những mặt hàng đã từng được xuất khẩu tại Trung Quốc sẽ được chuyển đến Đông Nam Á.
Tuy nhiên, ông Mattios nói thêm: "Chúng tôi không cho rằng Đông Nam Á sẽ trở thành trung tâm sản xuất của thế giới như cách Trung Quốc từng làm hai thập kỉ trước".
Ngành sản xuất phân mảnh để gần hơn với người tiêu dùng
"Những gì chúng ta đang quan sát thấy là do tự động hóa và cải tiến công nghệ. Chúng ta rời khỏi Trung Quốc - trung tâm sản xuất toàn cầu hợp nhất mà chúng ta từng sử dụng - để phân mảnh hoạt động sản xuất", theo ông Mattios.
Chẳng hạn, các công ty sẽ sản xuất sản phẩm tại nhiều cơ sở khác nhau nhưng gần hơn với người tiêu dùng tại Mỹ hoặc châu Âu.
Các công ty đa quốc gia đang hành động bởi tranh chấp thương mại song phương giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu, tình hình kinh doanh.
Một số công ty đang tìm kiếm các nhà cung cấp, nguồn sáng tạo và lĩnh vực sản xuất mới.
"Cuối cùng, ai đó sẽ phải trả giá cho tranh chấp thương mại kéo dài này, vốn tăng thêm chi phí cho chuỗi cung ứng", nhà tư vấn này đặt câu hỏi. Đồng thời, ông Mattios còn nói thêm rằng người tiêu dùng hoặc nhà sản xuất sẽ phải chịu một số chi phí để duy trì thị phần, ngay cả khi biên lợi nhuận giảm.
Mặc dù tất cả đang lên chiến lược mới, nhưng một điều chắc chắn rằng tranh chấp thương mại này không mang lại lợi ích cho bất kì ai cả.
"Các công ty dù đã sẵn sàng hành động, họ vẫn khao khát thị trường ổn định để có thể bắt đầu kế hoạch của mình", ông Mattios nói thêm.