CNBC: Cố vấn thương mại của Tổng thống Trump kiên quyết phản đối thỏa thuận với Trung Quốc
Ông Peter Navaroo - Giám đốc Hội đồng Thương mại Quốc gia, người có tư tưởng "diều hâu" (cứng rắn) trong vấn đề thương mại và Trung Quốc. Ảnh: Getty Images, đồ họa: Vox.
CNBC dẫn lời ba nguồn tin thân cận với Tổng thống Trump và chính phủ Mỹ cho hay ông Navarro đặc biệt không hài lòng với việc thỏa thuận lần này không bao gồm một số điều khoản về bảo vệ tài sản trí tuệ và công nghệ như các dự thảo trước.
Vì vậy, ông Navarro đã khuyên Tổng thống Trump hãy ép buộc Trung Quốc phải tái cam kết về các vấn đề bảo vệ tài sản trí tuệ, nếu không thì hãy từ bỏ đàm phán.
Đến nay, những nỗ lực của ông Navarro đều không thành công. Một cựu quan chức chính phủ Mỹ nói: "Ông Navarro luôn cố gắng đưa ra quan điểm cứng rắn hơn đối với Trung Quốc nhưng ông lại hoàn toàn đơn độc trong chuyện này".
Trong ngày 25/10, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin tiếp tục các cuộc điện đàm với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc.
Theo một thông báo từ Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR): "Hai bên đạt tiến bộ trong một số vấn đề cụ thể và đang sắp sửa hoàn thiện một số phần của thỏa thuận. Các cuộc thảo luận sẽ được tiếp tục thực hiện ở cấp thứ trưởng và quan chức cấp cao của hai nước sẽ điện đàm lại trong tương lai gần".
Nội dung sơ bộ của thỏa thuận thương mại giữa hai nước bao gồm việc Trung Quốc tăng cường mua nông sản Mỹ trong khoảng thười gian hai năm, loại bỏ rào cản đối với các công ty tài chính nước ngoài và cải thiện tính minh bạch trên thị trường ngoại hối.
Đổi lại, phía Mỹ hoãn tăng thuế đối với 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15/10 như kế hoạch ban đầu và đang xem xét không áp thuế đối với 160 tỉ USD hàng hóa vào ngày 15/12.
Như vậy, thỏa thuận này sẽ không cấm việc Trung Quốc trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước, cũng không mở cửa tất cả ngành và lĩnh vực của nền kinh tế Trung Quốc như chính quyền Tổng thống Trump từng theo đuổi.
Thỏa thuận này cũng sẽ không yêu cầu Trung Quốc đưa nội dung thỏa thuận vào luật – đây là điểm mấu chốt khiến cho đàm phán thương mại giữa hai nước đổ vỡ hồi tháng 5.
Chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Trump công bố thỏa thuận thương mại với Trung Quốc như trên, ông Navarro vẫn khẳng định rằng một thỏa thuận thương mại cục bộ là không thể xảy ra.
"Tổng thống Trump có quyết tâm sắt đá. Hoặc là đạt một thỏa thuận lớn, hoặc là không có thỏa thuận nào. Đó là quan điểm của Tổng thống ngay từ đầu", ông Navarro nói.
Phản hồi yêu cầu bình luận của CNBC về thông tin ông phản đối thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung, ông Navarro viết trong email:
"Đây lại là mấy lời đồn tin giả từ những nguồn giả mạo nặc danh với mưu đồ phá hoại cuộc đàm phán. Chẳng có ai "thân cận với các cuộc thảo luận" và thực sự có thông tin cả - Đại diện Thương mại Lighthizer quản lí cơ quan của mình rất chặt chẽ và nhân viên dưới quyền ông ấy chắc chắn không để lọt tin ra ngoài".
Ông Peter Navarro - Cố vấn thương mại của Tổng thống Mỹ. Ảnh: Getty Images.
Ông Navarro gần đây phải hứng chịu nhiều chỉ trích do trích dẫn một nguồn tin ngụy tạo mang tên "Ron Vara" trong cuốn sách với nội dung chống Trung Quốc của ông.
Trước đó, chính ông từng nhiều lần công kích các nguồn tin nặc danh rằng họ chỉ toàn tung tin giả.
Hồi tháng 9, CNBC dẫn nguồn tin riêng cho biết Nhà Trắng đang xem xét các biện pháp hạn chế dòng vốn đầu tư Mỹ chảy vào công ty Trung Quốc – có thể bao gồm việc hủy niêm yết cổ phiếu Trung Quốc ở sàn chứng khoán Mỹ. Ông Navarro gọi đây là "tin giả".
Chỉ một ngày sau, các quan chức Nhà Trắng lại họp mặt để bàn về chính những biện pháp hạn chế này và nhắc đến cả doanh nghiệp Trung Quốc giao dịch trên sàn chứng khoán Mỹ.
Năm 2018, CNBC đưa tin về một dự thảo lệnh hành pháp của Tổng thống Trump về chính sách ưu đãi dùng hàng sản xuất ở Mỹ cho các dự án của chính phủ. Ông Navarro cũng gọi đây là tin giả.
5 tháng sau, lệnh hành pháp được công bố với nội dung đúng như những gì CNBC đưa tin trước đó.