CII đi vay hơn 17.500 tỷ đồng cuối quý II
CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (Mã: CII) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 với doanh thu thuần tăng gần 63% so với cùng kỳ lên 1.068 tỷ đồng do một số công trình, dự án đầu tư đã hoàn thành được ghi nhận trong kỳ và doanh thu từ thu phí giao thông.
Trong kỳ, chi phí lãi vay 269 tỷ đồng và khoản lỗ từ công ty liên doanh liên kết gần 12 tỷ đã ăn mòn lợi nhuận gộp của doanh nghiệp.
Kết quả quý II, CII báo lãi gần 135 tỷ đồng trước thuế, tăng 47%. Song do chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành tính trên thu nhập chịu thuế kỳ này tăng cao đã kéo lãi sau thuế của công ty còn 57 tỷ đồng, giảm 45%. Lãi ròng đạt gần 13 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của CII đạt 2.032 tỷ đồng, tăng 80%. CII báo lãi sau thuế là 105 tỷ, lãi ròng đạt 17 tỷ, lần lượt giảm 72% và 93%. Tính đến cuối tháng 6, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty hơn 2.239 tỷ đồng.
Như vậy kết thúc hai quý, CII mới thực hiện được 31% kế hoạch doanh thu và 17% mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm.
Tính tới 30/6, tổng tài sản của CII tăng 723 tỷ đồng so với đầu năm lên 30.270 tỷ đồng, phần lớn là tài sản dài hạn. Tổng các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho đạt 10.539 tỷ đồng, tăng gần 9% và chiếm gần 35% tổng tài sản.
Bên cạnh đó, CII còn ghi nhận gần 111 tỷ đồng nợ xấu với giá trị có thể thu hồi gần 24 tỷ.
Ở phía nguồn vốn, tổng nợ đi vay của doanh nghiệp tiếp tục ở mức cao, hơn 17.500 tỷ đồng, gấp 2,24 lần vốn chủ sở hữu, phần lớn là đi vay dài hạn từ các ngân hàng trong nước và thông qua phát hành trái phiếu. Dư nợ trái phiếu tính đến cuối tháng 6 là 13.074 tỷ đồng.
Để giải quyết tình trạng nợ nói trên, CII đang phát triển một công cụ tài chính mới trên cơ sở chứng khoán hóa dòng tiền dự án BOT của công ty. Đồng thời, Hội đồng quản trị đã phê duyệt phương án thành lập công ty Fintech để triển khai đề án nói trên.
Theo lãnh đạo CII, đây sẽ là sản phẩm tài chính có quy mô lớn hơn nhiều so với các sản phẩm “tái cấu trúc dòng tiền” mà CII từng thực hiện.
Với sản phẩm này, CII có thể huy động nguồn tiền nhàn rỗi lớn trong xã hội với chi phí vốn hợp lý hơn, qua đó giảm bớt gánh nặng của doanh nghiệp với các khoản vay tín dụng trong nước.
Lãnh đạo CII khẳng định rằng nếu làm xong Fintech, nợ của CII sẽ về 0. Năm 2021 - 2022, CII đặt mục tiêu thu được hơn 10.000 tỷ đồng nếu làm xong dự án Fintech.