Chuyến tàu chở hàng đầu tiên từ Trung Quốc đến Việt Nam sau khi RCEP có hiệu lực
Theo VOV, chuyến tàu chở hàng đã khởi hành từ cảng đường sắt quốc tế Nam Ninh, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) để đến Hà Nội vào sáng ngày 1/1, sau khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực.
Chuyến tàu X9101 vận chuyển 25 container hàng hóa như linh kiện điện tử, nhu yếu phẩm, sản phẩm hóa chất,... với tổng trọng lượng hơn 800 tấn, trị giá hơn 10 triệu USD. Chuyến tàu dự kiến đến Hà Nội sau hành trình dài 28 tiếng.
Ông Dương Xuân Đình, Giám đốc Sở Thương mại Quảng Tây khẳng định RCEP là cửa ngõ mở cửa và hợp tác của Trung Quốc với các nước ASEAN, mang lại cơ hội mới cho sự phát triển của tỉnh Quảng Tây.
Hiệp định RCEP có hiệu lực ngày 1/1/2022 và tạo ra một "luồng gió mới" thúc đẩy sự phục hồi của khu vực sau đại dịch COVID-19, đồng thời là chất xúc tác góp phần đẩy mạnh kinh tế toàn cầu.
Hiệp định RCEP có sự tham gia của 10 nước thành viên ASEAN cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Tổng dân số, tổng sản phẩm quốc nội và thương mại của 15 quốc gia này đều chiếm khoảng 30% của thế giới, theo TTXVN.
RCEP loại bỏ hơn 90% thuế nhập khẩu giữa các nước thành viên ký kết hiệp định và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn thuế quan.
Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi nhận định RCEP sẽ mở ra những cơ hội có thể là "chất xúc tác" giúp mở rộng đầu tư và thương mại khu vực. Việc RCEP được thực thi, khu vực này sẽ trở thành một cơ sở sản xuất duy nhất cũng như một thị trường tiêu thụ các sản phẩm của riêng khu vực.
Các đại biểu trong Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cũng nhận định RCEP sẽ tạo ra "một trung tâm thu hút thương mại toàn cầu". Đồng thời, thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới này sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu của khu vực tăng thêm 42 tỷ USD.