|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chuyện khởi nghiệp của Yeah1: Từ doanh thu 150 USD tới mạng đa kênh 56 tỷ lượt xem, nhưng sự cố với YouTube đã thay đổi tất cả

12:00 | 12/04/2021
Chia sẻ
Nhà sáng lập Nhượng Tống khởi nghiệp cùng Yeah1 với số vốn 200.000 USD và từng biến công ty thành doanh nghiệp truyền hình đầu tiên của Việt Nam niêm yết trên sàn chứng khoán.

Từ khởi nghiệp tới IPO

CTCP Tập đoàn Yeah1 (Mã: YEG) khởi đầu là trang thông tin điện tử yeah1.com chuyên cung cấp thông tin giải trí cho giới trẻ, do ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cùng cộng sự sáng lập năm 2006. Thời điểm đó, Yeah1 có khoảng 40.000 lượt xem và đạt doanh thu ban đầu là 150 USD (~3,4 triệu đồng).

Ý tưởng khởi nghiệp với Yeah1 vụt lên khi ông Tống, lúc đó khoảng 28 tuổi, quyết định gây dựng cơ đồ sau khi đã có trong tay một số tiền từ việc sáng lập công ty quảng cáo khá thành công.

"Nói là có trong tay số tiền lớn nhưng lúc đó cũng chỉ có khoảng 200.000 USD (~4,6 tỷ đồng). Với số tiền này chỉ đầu tư có hai thứ là truyền hình và internet. Với truyền hình chỉ phát một lần nhưng có thể có hàng triệu người xem, internet cũng như vậy", ông Tống từng chia sẻ trong chương trình Cafe Khởi nghiệp.

Sau khi cân nhắc, ông quyết định một trang web và phát triển nó bằng cách tăng cộng đồng người sử dụng và bán quảng cáo trên website đó.

Trong hai năm tiếp theo, công ty đã mở rộng lên 400.000 lượt xem, đồng thời thành lập Yeah1TV, một kênh truyền hình chuyên cung cấp thông tin giải trí được phát trên toàn quốc.

Yeah1: Từ sự cố 'chia tay' với YouTube cho tới giá cổ phiếu dò đáy, bị đưa vào diện kiểm soát - Ảnh 1.

Trụ sở chính của Yeah1 (Nguồn: YEG).

Tới giai đoạn 2015-2017, Yeah1 trở thành đối tác đa kênh của YouTube, có 2,4 tỷ lượt xem và doanh thu đạt 19 triệu USD (~437 tỷ đồng). Công ty cũng trở thành đối tác của Google tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, thông qua Công ty con Netlink cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến cho hơn 600 trang website toàn thế giới.

Việc trở thành đối tác đa kênh của YouTube tại Việt Nam đồng nghĩa với việc Yeah1 sẽ đứng ra làm trung gian cho các nhà sáng lập nội dung bản địa và YouTube. Điều này giúp các nhà sáng tạo nội dung nhỏ lẻ đảm bảo tốt hơn quyền lợi của mình trong khi nền tảng chia sẻ video cũng không phải tốn nguồn lực để để mắt tới mỗi kênh có phù hợp với chính sách ở từng quốc gia hay không.

Qua tháng 6/2018, Yeah1 thông báo cổ phiếu sẽ chính thức giao dịch trên sàn HOSE với giá 250.000 đồng. Từng có thời điểm, mã YEG của Yeah1 chạm ngưỡng giá trị 300.000 đồng/cp.

Không lâu sau đợt IPO, ông Tống chia sẻ trên sóng truyền hình rằng ý định này nảy sinh từ 10 năm trước đó và ông coi đó là một ước mơ: Với ông, IPO như một cột mốc cho sự thành công trên con đường sự nghiệp.

Ở thời điểm đó, Yeah1 là doanh nghiệp truyền hình đầu tiên niêm yết ở thị trường chứng khoán Việt Nam với mức giá kỷ lục, vốn điều lệ 273,69 tỷ đồng. Do đó, các nhà đầu tư có thể chưa so sánh được công ty với doanh nghiệp khác cùng lĩnh vực, rất nhiều lời thắc mắc, nghi vấn nổi lên xung quanh câu chuyện IPO của Yeah1.

Nói về câu chuyện niêm yết, ông chủ Yeah1 cho hay công ty đã cân nhắc rất kỹ lưỡng cả việc nhà đầu tư Việt Nam chưa sẵn sàng (tâm lý e ngại chưa có công ty công nghệ nào niêm yết trên thị trường ở thời điểm đó), cách đánh giá của nhà đầu tư với một doanh nghiệp mới, ngành mới (đánh giá khả năng phát triển ở hiện tại và tương lai).

Cùng với đó, trong khi mảng dịch vụ giải trí trên YouTube của Yeah1 đang phát triển mạnh với 56 tỷ lượt xem, Công ty có kế hoạch đẩy mạnh sang đầu tư các thị trường Phillipines, Indonesia và Thái Lan thông qua việc sáp nhập với các công ty giải trí ở các thị trường này.

Sự cố "chia tay" với YouTube

Nhắc tới Yeah1, vụ lùm xùm chấm dứt hợp đồng lưu trữ nội dung với YouTube hồi tháng 3/2019 có thể coi là khủng hoảng truyền thông lớn nhất của công ty.

Sự việc bắt đầu khi YouTube cho rằng SpringMe, công ty có trụ sở tại Thái Lan mà Yeah1 nắm giữ 16,5% cổ phần, hoạt động tuyển lựa kênh trái với quy định của YouTube. Điều này đã khiến Yeah1 Network chịu ảnh hưởng liên đới.

Sau nhiều lần gia hạn rồi thương lượng không thành, ngày 22/5/2019, Yeah1 và YouTube chính thức "chia tay". Trong thông cáo của mình, YouTube nhấn mạnh việc Yeah1 và các công ty con bị phát hiện lặp lại các lỗi vi phạm nghiêm trọng đến quy định của YouTube.

Yeah1: Từ sự cố 'chia tay' với YouTube cho tới giá cổ phiếu dò đáy, bị đưa vào diện kiểm soát - Ảnh 2.

Yeah1 chính thức thông báo bị YouTube ngừng hợp tác. Mạng đa kênh từng lớn nhất Việt Nam đã mất quyền quản lý kênh. (Ảnh: Vietnamnet).

Trước đó vào năm 2017, một số kênh YouTube thuộc Yeah1 Kids do người Việt Nam sản xuất có nội dung video trá hình những nhân vật hoạt hình cho trẻ em như công chúa tuyết Elsa, người nhện (Spiderman) nhưng lại có nội dung phản cảm và bạo lực dù hướng tới đối tượng là trẻ em để trục lợi.

Sự việc đã gây phản ứng mạnh mẽ từ các bậc phụ huynh trên mạng xã hội, tạo sức ép khiến cho Yeah1 phải thừa nhận trách nhiệm kiểm soát nội dung chưa tốt.

Tới tháng 3/2019, kênh YouTube Tam Mao thuộc Yeah1 Network đăng tải video làm thịt một con chim được cho là Diều hoa Miến Điện, giống chim quý bị cấm săn bắt. Hành vi đăng tải video chế biến và ăn thịt động vật quý hiếm này đã phải nhận chỉ trích gay gắt từ cộng đồng mạng dẫn đến án phạt từ cơ quan chức năng.

Những nỗ lực tái thiết

Trong buổi họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của Yeah1, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT Yeah1, phải thừa nhận sự cố với YouTube và cả câu chuyện xung quanh cuộc chiến truyền thông về giá trị của Yeah1 đã khiến công ty có những bài học trả giá cực kỳ đắt.

Một năm sau sự cố từ YouTube, cổ phiếu của Yeah1 bị đưa vào diện cảnh báo vào tháng 4/2020 vì kinh doanh thua lỗ. Theo đó, Tập đoàn Yeah1 đã lỗ liên tiếp hai năm sau khi niêm yết trên sàn vào ngày 26/6/2018.

Sang năm 2021, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM mới đây có văn bản quyết định chuyển cổ phiếu YEG của CTCP Tập đoàn Yeah1 từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát.

Theo quyết định trên, nguyên nhân là lợi nhuận sau thuế (LNST) của cổ đông công ty mẹ năm 2019 âm 385,3 tỷ đồng, LNST của cổ đông công ty mẹ năm 2020 âm 181,6 tỷ đồng và LNST chưa phân phối tại ngày 31/12/2020 là âm 219,3 tỷ đồng.

Trong trường hợp kết quả sản xuất kinh doanh của một công ty thua lỗ ba năm liên tục, hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất, doanh nghiệp sẽ bị huỷ niêm yết bắt buộc theo quy định hiện hành.

Yeah1 đã liên tiếp thua lỗ trong hai năm, nếu không có lãi trở lại trong năm nay, nhiều khả năng cổ phiếu YEG sẽ bị huỷ niêm yết bắt buộc. 

Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn hậu chia tay YouTube, Yeah1 cũng đã có những nỗ lực để vực dậy. Cuối năm 2019, Yeah1 ra mắt AppNews, một ứng dụng được kì vọng sẽ thay đổi ngành báo chí Việt bằng kế hoạch thu phí người đọc. Tuy nhiên tới nay, AppNews có thể nói là một kế hoạch thất bại khi không đạt kỳ vọng (mới có hơn 500 lượt tải xuống trên Android).

Mới đây, Yeah1 cũng cho biết sẽ dấn thân vào mảng tiêu dùng và bán lẻ bằng mô hình phân phối-bán hàng-truyền thông (M2C). Tuy nhiên tính khả thi mô hình cũng vẫn là dấu hỏi khi thị trường bán lẻ nội địa vẫn đang là sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp lớn hơn và có nhiều kinh nghiệm hơn.

Tường Vy