|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chuyện học hỏi bí quyết từ đối thủ của một 'Vua bán lẻ'

00:58 | 26/02/2018
Chia sẻ
Dù không tin vào thương mại điện tử, "Vua bán lẻ Ấn Độ" vẫn tiếp thu ý tưởng của tập đoàn Alibaba về lễ hội mua sắm để áp dụng tại quê hương.

Hồi tháng 11 năm ngoái, Kishore Biyani, người sáng lập tập đoàn Future và mang biệt danh "Vua bán lẻ Ấn Độ", tới Trung Quốc để tìm hiểu hành vi mua hàng trong Ngày Độc thân (ngày 11/11 hàng năm) - lễ hội mua sắm lớn nhất tại quốc gia đông dân nhất thế giới, India Times đưa tin.

Biyani là một trong những vị khách quý mà tỷ phú Jack Ma, người sáng lập tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, mới tham dự lễ công bố chương trình mua sắm nhân Ngày Độc thân. Nữ diễn viên Nicole Kidman, ca sĩ Pharrell Williams và nhiều nhân vật nổi tiếng ở Trung Quốc cũng tham gia sự kiện. Hôm sau, doanh số của Alibalba đạt mức kỷ lục là 25,3 tỷ USD, theo Bloomberg.

Biyani muốn triển khai chương trình tương tự ở Ấn Độ. Trên thực tế, tập đoàn Future đã phát động lễ hội mua sắm nhân Ngày Quốc khánh ở Ấn Độ (26/1) từ năm 2016. Nhưng ông cảm thấy việc mời những nhân vật nổi tiếng để thực hiện chương trình gala rồi phát trực tiếp trên Facebook như Jack Ma đã làm là một ý tưởng hay. Ông cũng đánh giá cao ý tưởng kết hợp giữa nền tảng mua sắm trực tiếp với các cửa hàng bán lẻ trực tiếp mà Alibaba đang ráo riết thực hiện.

Trong dịp lễ Quốc khánh Ấn Độ hôm 26/1 năm nay, Future tổ chức chương trình khuyến mãi ở các cửa hàng bán lẻ tại khoảng 50 thành phố.

"Khi một công ty chỉ nói về giảm giá, người tiêu dùng sẽ chỉ tìm những mặt hàng giảm giá. Nhưng nếu họ kết hợp giảm giá với hoạt động giải trí và các yếu tố gây hưng phấn, nó sẽ thúc đẩy doanh số rất mạnh", Biyani nhận định.

Kế hoạch của Future là tiếp cận gần 30 triệu khách hàng thông qua chương trình biểu diễn nghệ thuật trong 24 giờ với sự tham gia của hơn 20 nhân vật nổi tiếng. Tập đoàn livestream chương trình trên mạng xã hội. Ngoài ra Future còn giảm giá theo khung giờ để khuyến khích khách hàng bước vào các cửa hàng bán lẻ.

Xuất thân bần hàn

Doanh nhân 57 tuổi khởi nghiệp với công ty may Pantaloons vào năm 1987. Khi hoạt động kinh doanh dần trở nên ổn định, ông xâm nhập thị trường bán lẻ thông qua các hợp đồng nhập quần áo may sẵn từ công ty khác. Dần dần các cửa hàng của ông xuất hiện tại 244 thành phố, tạo nên tập đoàn Future Group.

Hơn nửa sổ tài sản của ông nằm trong chuỗi siêu thị Future Reail của tập đoàn. Future Group tái niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán vào tháng 8/2016. Sự ‘tái xuất’ của Future Group được người tiêu dùng ủng hộ tích cực, giá trị cổ phiếu của tập đoàn tăng gấp hơn 3 lần từ ngày tái niêm yết. Cổ phiếu tăng giá nhờ vốn chủ sở hữu tăng, nợ giảm và doanh thu tăng.

chuyen hoc hoi bi quyet tu doi thu cua mot vua ban le
Tỷ phú Kishore Biyani, người mang biệt danh "Vua bán lẻ Ấn Độ". Ảnh: India Times

Giờ đây tập đoàn Future sở hữu nhiều chuỗi siêu thị, với mỗi chuỗi bán một ngành hàng. Chẳng hạn, Future Retail bán hàng dệt may, Food Hall bán lẻ thực phẩm, Easy Day là chuỗi cửa hàng tiện lợi, Future Lifestyle Fashions cung cấp hàng thời trang, Future Consumers bán các thực phẩm nội địa.

Future Retail đạt mức tăng trưởng 12% và đạt doanh thu kỷ lục 2,6 tỷ USD trong năm ngoái. Trong năm 2016, khoảng 300 triệu khách hàng bước vào các cửa hàng của Future Retail, tạo ra 143 triệu giao dịch.

Từng trả giá đắt vì nôn nóng

Ban đầu Biyani bán vải thun cho các cửa hàng nhỏ ở thành phố Mumbai. Trong môi trường bán lẻ liên tục thay đổi bởi sự xuất hiện của các thương hiệu ngoại, thương mại điện tử, sự trỗi dậy của các tập đoàn bán lẻ trong nước, ông từng trải qua mọi giai đoạn - xây dựng, phá bỏ rồi xây dựng lại.

Future Group đối mặt với tương lai bất ổn trong giai đoạn đầu thập kỷ này do tăng trưởng quá nhanh và tham gia nhiều mảng - như bảo hiểm. Sau giai đoạn tăng trưởng nhanh, lợi nhuận lao dốc và Biyani buộc phải bán thương hiệu thời trang Pantaloons để trả nợ vào năm 2012. Ông phải đóng cửa những cửa hàng không có lãi và sa thải 3.000 nhân viên. Sau đó ông phục hồi tập đoàn bằng cách chỉ tập trung vào thực phẩm và hàng thời trang.

"Vua bán lẻ Ấn Độ" cũng đầu tư mạnh vào công nghệ. Các cửa hàng của ông có màn hình và giao diện kỹ thuật số. Thậm chí các siêu thị còn có "trợ lý bán hàng số" trên các quầy thực phẩm. Chúng là những thiết bị số có khả năng giải thích chức năng và nguồn gốc thực phẩm.

Hiện tại Future Group điều hành 3 trang bán hàng trực tuyến - gồm fbbonline.in (hàng thời trang), hometown.in (trang trí nội thất) và ezoneonline.in (hàng điện tử).