|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chuyển giao dịch HNX giảm tắc nghẽn HOSE: Mã giao dịch hàng chục triệu đơn vị chưa mấy mặn mà, lo ngại chỉ 'làm hình thức'

08:00 | 28/03/2021
Chia sẻ
Theo dõi tài liệu đại hội của nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE, phương án chuyển giao dịch sang HNX để giảm tắc nghẽn chưa mấy mặn mà và đưa vào nội dung cuộc họp. Hiện những doanh nghiệp xung phong chuyển sàn đang chỉ chiếm số lượng lệnh nhỏ, nhà đầu tư lo ngại sự cố quá tải chưa cải thiện cho đến khi hệ thống giao dịch tạm thời được triển khai.

Hoàn tất quy trình chuyển giao dịch

Chuyện tắc nghẽn giao dịch do quá tải hệ thống trên sàn HOSE trở thành tâm điểm của giới đầu tư trong nhiều tháng nay. Đỉnh điểm, tại một sự kiện "Đối thoại 2045” tổ chức đầu tháng 3 có sự tham gia của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thực trạng tại sàn HOSE đã được các doanh nghiệp lớn trên sàn như FPT, Vietjet đưa ra bàn luận.

Ngay sau đó, Bộ Tài chính đã tổ chức họp bàn về phương án phối hợp các bên để khắc phục sự cố. Theo đó, giải pháp đưa ra là sử dụng phần mềm của Sở Giao dịch Hà Nội (HNX) cho HOSE. Tuy nhiên, cũng cần đến ba tháng để FPT thực hiện.

Song hành với giải pháp trên, phương án chuyển giao dịch các cổ phiếu trên sàn HOSE sang HNX để giảm tải cho hệ thống được thực hiện. Ngày 3/3, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có hướng dẫn việc chuyển giao dịch. 

Ngày 16/3, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), HNX, HOSE thống nhất xây dựng quy trình tiếp nhận xử lý hồ sơ, chuyển giao thông tin dữ liệu doanh nghiệp, cài đặt hệ thống với các tiêu chí về thời gian xử lý hồ sơ, thời gian ngừng giao dịch, xử lý dữ liệu, cài đặt hệ thống tại HOSE, HNX, VSD.

Theo đó, cổ phiếu có thể chuyển sàn sang giao dịch tại HNX chỉ mất ba ngày làm việc kể từ sau ngày giao dịch cuối cùng trên HOSE.

Trong đợt đầu, 6 doanh nghiệp xung phong chuyển giao dịch từ HOSE sang HNX là CTCP Bibica (Mã: BBC); CTCP Giống cây trồng Miền Nam (Mã: SSC); CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (Mã: ABT); CTCP Khử trùng Việt Nam (Mã: VFG); CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Mã: NSC); CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã: VND). Ngày 29/3, tới đây, hai cổ phiếu là BBC và SSC chính thức giao dịch tại sàn HNX.

Ngoài 6 doanh nghiệp trên, phương án chuyển giao dịch sang HNX được một số đơn vị đề cập như Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC). Các công ty chứng khoán khác niêm yết trên HOSE (HCM, VCI, CTS, AGR, VIX) chưa có động thái hay những ý kiến về giải pháp này.

Nhà đầu tư lo ngại chỉ "làm hình thức", cần có làm gì để khuyến khích?

Qua theo dõi tài liệu đại hội của các công ty niêm yết trên sàn HOSE, phương án chuyển giao dịch sang HNX để giảm tải cho hệ thống dường như không được nhắc đến. 

Thêm vào đó, câu chuyện chuyển giao dịch hiện nay đang tạo cảm giác cho nhà đầu tư là phương án mang tính hình thức. 

Được nhắc đến, sàn HOSE đang quá tải do số lượng lệnh quá lớn. Theo chia sẻ từ lãnh đạo của HOSE, giới hạn hệ thống công nghệ của sàn này là 900.000 lệnh mỗi ngày. Phương án chuyển giao dịch nhằm số lượng lệnh. Rõ ràng giải pháp trên chỉ đạt hiệu quả nếu những doanh nghiệp đang có giao dịch hàng ngày lớn chuyển giao dịch.

Theo thống kê, khối lượng giao dịch khớp lệnh bình quân đối với cổ phiếu trên sàn HOSE trong tháng 3 (1 - 26/3) là 586,4 triệu đơn vị/phiên. Số lượng cổ phiếu niêm yết trên sàn này là 403 mã. Như vậy, khối lượng giao dịch bình quân mỗi mã là gần 1,5 triệu cp/phiên. 

Tuy nhiên ngoại trừ VND có khối lượng giao dịch lớn hơn 1,5 triệu cp, 5 mã cổ phiếu còn lại giao dịch với khối lượng thấp hơn đáng kể mức bình quân. Đơn cử, cổ phiếu BBC, SSC, ABT, VFG, NSC chỉ giao dịch vài nghìn thậm chí vài trăm đơn vị mỗi phiên. Do đó, đây đều là những mã chỉ chiếm số lượng lệnh nhỏ mỗi này và không ảnh hưởng lớn đến giới hạn 900.000 lệnh như đã nêu.

Trước thực tế này, nhiều nhà đầu tư không khỏi lo ngại sàn HOSE vẫn tắc nghẽn lệnh khi phương án chuyển giao dịch vẫn chưa đến đúng đối tượng. 

Chuyển giao dịch HNX giảm tắc nghẽn trên HOSE: Lo ngại 'làm hình thức', làm sao để đúng và trúng đối tượng? - Ảnh 1.

Những cố phiếu có khối lượng giao dịch cao nhất trên sàn HOSE tại phiên 26/3. Nguồn: VND.

Theo hướng dẫn của UBCKNN, việc thực hiện chuyển giao dịch tạm thời chưa áp dụng với nhóm VN30. Trong những mã có lớn nhất giao dịch lớn nhất có nhiều cổ phiếu nằm ngoài rổ VN30 như FLC, ROS, ITA, DXG, HQC, HNG.... Khối lượng giao dịch của các mã này hàng chục triệu đơn vị mỗi phiên. Với việc chiếm khối lượng giao dịch lớn, đây là những cổ phiếu sẽ giảm thiểu đáng kể về số lượng lệnh nếu chuyển giao dịch từ HOSE sang HNX.

Bàn luận về câu chuyện chuyển giao dịch từ HOSE sang HNX, một tổng Giám đốc công ty chứng khoán cho rằng phương án đưa ra của UBCKNN là hợp lý. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để việc chuyển giao dịch được tối ưu nhất.

Theo ý kiến của vị lãnh đạo này, doanh nghiệp sẽ thực hiện khi cho đủ cơ chế, việc tự nguyện nhưng nên có cách. Ví dụ, về thủ tục nếu chuyển lại sàn HOSE, ưu đãi phí, thậm chí là việc các công ty sẽ đưa ra một số đề xuất. Mức độ đáp ứng thế nào, UBCKNN sẽ cân nhắc để con số doanh nghiệp được tối đa nhất. Khi đó, giải pháp giảm tắc nghẽn cho sàn HOSE sẽ đúng và trúng mục tiêu và đối tượng.

Trở lại câu chuyện quá tải hệ thống, thời gian cam kết khắc phục sự cố trong 3 tháng của FPT đang đếm ngược, thực tế sàn HOSE vẫn thường xuyên tắc nghẽn gần đây. Gần 1 tháng trôi qua, phương án chuyển giao dịch đang chưa thực sự giải quyết vấn đề. Câu hỏi đặt ra liệu rằng nhà đầu tư vẫn phải "sống chung với lũ" với hệ thống quá tải cho đến khi phương án sử dụng phần mềm của HNX cho HOSE chính thức được áp dụng.

Hoàng Linh

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.