Chuyên gia: Tăng trưởng GDP quý I khoảng 5,5 - 5,7%, tỷ giá sẽ sớm ổn định, dao động trong khoảng 3%
Dự báo về kinh tế vĩ mô năm 2024 tại Diễn đàn Nhận diện điểm sáng Kinh doanh và Đầu tư 2024 do Trang TTĐT CafeF tổ chức, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng mặc dù nền kinh tế năm nay có nhiều bất định song cũng có rất nhiều điểm tích cực.
Kinh tế thế giới tuy phục hồi chậm chạp, không đều giữa các khu vực khả năng suy thoái thấp. Đặc biệt, lạm phát đã qua giai đoạn lạm phát cao đang giảm khá nhanh, lãi suất ở các nền kinh tế phát triển cũng đang trong xu hướng giảm dần.
Lãi suất trên thế giới đang giảm dần
Sau khi lãi suất đồng USD và Euro tăng đỉnh điểm rồi chững lại từ cuối 2023, lãi suất có chiều hướng giảm dần từ giữa 2024. Nhờ đó, VND năm nay sẽ chỉ mất giá tối đa 3%, thậm chí trong nửa cuối năm có thể còn tăng lên.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng kinh tế thế giới và Việt Nam đang phục hồi, riêng Việt Nam dự báo năm 2024 - 2025 sẽ tốt hơn, nhìn từ các động lực tăng trưởng.
Hai điểm quan trọng từ kinh tế thế giới là lạm phát giảm nhanh và lãi suất bắt đầu giảm là yếu tố vô cùng quan trọng, hỗ trợ cho kinh tế Việt Nam. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự báo giảm lãi suất ba lần trong năm nay, bắt đầu từ giữa năm. Điều này quan trọng là bởi ở Mỹ, vay nợ rất phổ biến, người dân, hộ gia đình chủ yếu đi vay vì vậy khi lãi suất giảm, phục hồi tăng trưởng mạnh hơn, tiêu dùng cũng tốt lên.
Với Việt Nam, lạm phát tăng trong mục tiêu và lãi suất điều hành đã giảm từ năm 2023, hiện ở mức trung bình nhưng còn giảm nhẹ, tỷ giá sẽ ổn định hơn. Khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam phục hồi rất tốt sau đại dịch, COVID-19 chỉ sau Trung Quốc.
Động lực tăng trưởng 2024 đã hồi phục
Với quý I/2024, TS. Cấn Văn Lực dự báo tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,5 - 5,7%. Quý I năm ngoái rất xấu chỉ hơn 3%, năm nay nếu đạt khoảng trên 5,5% là khá tích cực.
Nhìn vào bức tranh hai tháng đầu năm 2024, kinh tế Việt Nam đã có một số điểm sáng tích cực. Điển hình như vốn FDI chảy vào Việt Nam đạt khoảng 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Đặc biệt, vốn FDI thực hiện cao nhất cùng kỳ 5 năm qua.
Cùng với đó, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) 2 tháng liên tiếp tăng trên 50% trong khi giảm liên tục dưới 50% vào cuối năm 2023. Cụ thể, PMI tháng 1 đạt 50,3 điểm, tháng 2 đạt 50,4 điểm. Con số này thể hiện ngành sản xuất bắt đầu cải thiện rõ rệt.
Còn theo TS. Võ Trí Thành, tăng trưởng GDP năm nay ở mức 5,5% - 6,3% nhờ các động lực cho tăng trưởng đang dần hồi phục. Trong đó, xuất khẩu tương đối tốt. Bên cạnh xuất khẩu nông sản thì sản xuất công nghiệp cũng đang phục hồi lại.
Đầu tư FDI tương đối tốt kể cả số vốn cam kết và số vốn giải ngân. Chưa bao giờ vốn giải ngân FDI tăng gần 10% mà trong hai tháng đầu năm nay đã đạt được, trước đó vốn giải ngân chỉ tăng cùng lắm 2 – 3%.
Đầu tư công cũng tăng tốt ngay từ hai tháng đầu năm. Năm ngoái, các dự báo đều đánh giá giải ngân vốn đầu tư công sẽ tăng nhưng không ai nghĩ mục tiêu 95% có thể đạt được. Năm ngoái, tỷ lệ giải ngân khá tốt khoảng 680.000 tỷ đồng/ 710.000 tỷ đồng vốn kế hoạch.
Hiện chỉ còn hai yếu tố kém tích cực của nền kinh tế vĩ mô là thị trường bất động sản và tiêu dùng. Sau những nỗ lực tháo gỡ của Chính phủ, sự hồi phục của thị trường bất động sản vẫn chưa được như kỳ vọng.
Tốc độ tăng tiêu dùng giảm khá nhanh do tâm lý thận trọng của người dân. Người dân quan ngại hơn nên chi tiêu cho tiêu dùng, ăn uống, du lịch đều kém hơn. Mặc dù, lượng khách quốc tế vào Việt Nam hai tháng đầu năm tăng trưởng tốt nhưng tốc độ tăng trưởng của tiêu dùng sau khi trừ đi yếu tố giá giảm khá mạnh.
Sự quan ngại của toàn thị trường còn thể hiện ở tín dụng hai tháng đầu năm tăng trưởng âm hay đầu tư tư nhân còn yếu.
Để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, TS. Thành chỉ ra ba nhóm chính sách cần chú trọng. Đầu tiên là, cần giữ cho bằng được hoạt động của kinh tế vĩ mô, từ duy trì lạm phát tương đối thấp đến đảm bảo an toàn hệ thống tài chính – ngân hàng, tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.
Hai là, cần kích cầu tiêu dùng bằng các chính sách tài khoá hỗ trợ người lao động hay thu hút đầu tư phát triển hạ tầng, thu hút FDI chất lượng qua tận dụng việc nâng cao quan hệ với
Hoa Kỳ, Nhật Bản,... cũng như làm sâu sắc thêm quan hệ với Trung Quốc. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thông qua ký kết, đàm phán thêm các Hiệp định thương mại FTA và hỗ trợ doanh nghiệp bằng chính sách tiền tệ tài khóa, phục hồi kinh tế.
Ba là hoàn thiện khung khổ pháp lý cải thiện các quy định “cũ” & xây “mới” để đáp ứng xu thế. Bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Năm 2024 cần thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô. Mặc dù, mức độ cải thiện tình hình năm 2024 còn tùy thuộc diễn biến từ bên ngoài, song điều tiên quyết là nỗ lực chính sách và cải cách của Việt Nam. Theo ông Thành, phía trước còn nhiều khó khăn bất định, song vẫn có lý do để tin vào một kết quả tích cực hơn trong phát triển kinh tế năm 2024.