|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chuyên gia: Tăng giá điện ở mức phù hợp trong năm tới là bước đi cần thiết

07:40 | 12/12/2022
Chia sẻ
Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, tăng giá điện ở mức phù hợp trong năm tới cũng là bước đi cần thiết để một mặt đảm bảo hài hoà lợi ích, thứ hai là tăng tính hấp dẫn để thu hút đầu tư vào ngành điện và cuối cùng là để giảm áp lực tài chính quá lớn cho doanh nghiệp.

Thông tin bên lề họp báo Chính phủ chiều 1/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết,  EVN đã có đề xuất tăng giá điện do chi phí đầu vào cho sản xuất điện trên thế giới, khu vực và Việt Nam đều tăng cao, ảnh hưởng tới giá thành sản xuất điện.

Thứ trưởng Hải cho hay, về đề xuất điều chỉnh giá bán lẻ điện của EVN, Bộ Công Thương đang cùng Bộ Tài chính, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp rà soát theo Quyết định 24.

Chi phí sản xuất điện tăng cao

Thông tin thêm về vấn đề chi phí sản xuất điện tăng rất cao trong năm 2022, EVN cho biết, từ đầu năm đến nay, diễn biến giá nhiên liệu thế giới (giá than nhập khẩu theo chỉ số NewCastle, giá dầu Brent), tỷ giá đồng USD/VND tăng cao hơn rất nhiều so với bình quân năm 2020, năm 2021 và các số liệu dự báo trước đây.

(Nguồn: EVN).

Cụ thể, giá than thế giới diễn biến trong năm 2022 tăng gấp 6 lần so với năm 2020 và 2,6 lần so với năm 2021. Giá than nhập khẩu tăng làm tăng chi phí mua điện từ các nhà máy nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu và cả các nhà máy điện sử dụng than pha trộn (trộn giữa than trong nước và than nhập).

(Nguồn: EVN).

Giá dầu làm cơ sở tính giá khí trong năm 2022 (cho các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu khí) tăng gấp 2,2 lần so với năm 2020 và 1,34 lần so với năm 2021. Thêm vào đó, trữ lượng khí của các mỏ khí giá thấp (lô 06.1 Nam Côn Sơn giá khí tại miệng giếng khoảng 2,96 USD/triệu BTU) bị suy giảm sản lượng nhanh, trong khi giá khí từ các mỏ mới thì rất đắt (như khí Thiên Ưng khoảng 7,51 USD/triệu BTU) cũng làm tăng mạnh chi phí mua điện từ các nhà máy nhiệt điện tua bin khí.

Ngoài ra, trong các tháng vừa qua, tỷ giá ngoại tệ đồng USD cũng tăng cao sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nới biên độ tỷ giá cũng làm tăng chi phí, trong đó bao gồm cả chi phí mua nhiên liệu nhập khẩu cho sản xuất điện. 

Chi phí sản xuất điện tăng cao trong năm 2022 (Nguồn: EVN).

Bên cạnh đó, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh khi thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện biến động. Tuy nhiên thực hiện chỉ đạo của Chính phủ để ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội, giá điện chưa được xét điều chỉnh theo biến động của thông số đầu vào, năm 2022 đến nay là năm thứ 3 giá bán điện bình quân vẫn giữ nguyên kể từ tháng 3/2019, EVN cho biết.

Tăng giá điện mức phù hợp trong năm tới là bước đi cần thiết

Trao đổi với người viết, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, giá điện không thể không tăng bởi nếu giá điện thấp thì cuối cùng ngân sách phải bù hoặc EVN phải chịu lỗ.

"Mà khi EVN đã lỗ liên tục như vậy thì năng lực đầu tư thêm để giải quyết vấn đề dài hạn của cung cấp điện sẽ suy giảm. Vì vậy, phải chấp nhận 'đau một lần' để giải quyết triệt để vấn đề", TS. Cung khuyến nghị.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế, việc tăng giá điện cần phải được tính toán kỹ lưỡng, đánh giá tác động đối với người dân, doanh nghiệp và cả ngành điện.

Vị chuyên gia này nhìn nhận có hai lý do cần thiết phải tăng giá điện ở mức phù hợp. Thứ nhất là để giảm áp lực tài chính quá lớn cho doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo công khai, minh bạch, đồng thời phải bóc tách được số lỗ xảy ra ở đâu.

Trong vòng hơn ba năm trở lại đây, chúng chưa tăng giá điện và nếu tính đến năm tới 2023 thì sẽ là 4 năm. Trong khi đó, rõ ràng lạm phát, chi phí, giá cả, đặc biệt là chi phí đầu vào của ngành điện tăng rất mạnh trong thời gian vừa qua như: Giá than, giá khí đốt,..

Điều này khiến cho ngành điện gặp khó khăn về tài chính, số liệu báo cáo hiện nay cho thấy ngành điện lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng. Dù vậy, cũng cần phải đánh giá và bóc tách kỹ hơn xem số lỗ này do đâu và xuất phát từ nguyên nhân nào, TS. Lực phân tích.

Tuy nhiên, cần tính toán mức tăng giá điện sao phù hợp với tăng trưởng, lạm phát cũng như tác động với người dân và doanh nghiệp. 

Thứ hai là cần tăng giá điện để thu hút đầu tư vào ngành điện, chỉ khi đưa công nghệ mới vào thì chi phí sản xuất điện mới có thể giảm bớt. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt trong thời gian vừa qua, ngành điện phải nghiên cứu, tính toán đưa công nghệ mới vào để giảm chi phí sản xuất điện giúp duy trì giá hợp lý cho người dân, ông Lực cho hay.

Hạ An