EU 'đau đầu' với kế hoạch điều chỉnh giá điện
Đây đang là một vấn đề cấp bách đối với EU, khi mà khối này đang phải đối mặt với mức lạm phát cao ngất ngưởng do giá năng lượng tăng cao, vốn bị trầm trọng thêm bởi cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Mùa Đông sắp kéo đến tại khu vực Bắc Bán Cầu, cùng với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng căng thẳng tại một số quốc gia EU càng khiến nhiều người quan ngại.
Tuần trước, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí về một lộ trình quy mô rộng để giảm giá năng lượng cho khu vực này. Ủy ban châu Âu và các bộ trưởng năng lượng EU được giao trọng trách đưa ra các đề xuất chi tiết để các bên chấp thuận.
Tuy nhiên, sự đa dạng của các nguồn năng lượng ở 27 quốc gia EU - bao gồm than, khí đốt, điện gió, thủy điện và hạt nhân - khiến một chính sách chung cho tất cả trở nên khó khăn.
Một vấn đề quan trọng khác là giá khí đốt liên tục tăng cao, đặc biệt là tại Đức, quốc gia nhập khẩu phần lớn khí đốt từ Nga, mặc dù lượng khí đốt nhập khẩu đó đã giảm đi rất nhiều kể từ khi xung đột bắt đầu nổ ra.
Theo các quy tắc thị trường điện hiện tại của EU, sản xuất năng lượng gắn liền với giá của loại nhiên liệu đắt nhất, nghĩa là khí đốt. Khoảng 15 thành viên - tương đương hơn một nửa thành viên EU - ủng hộ một mô hình toàn khối dựa theo mô hình đang được áp dụng ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, theo đó chính phủ phải trợ cấp cho việc sản xuất điện bằng khí đốt.
Tuy nhiên, trong một văn bản gửi các bộ trưởng năng lượng EU, EC đã chỉ ra những hậu quả bất bình đẳng mà một chính sách như vậy sẽ mang lại nếu được áp dụng trên toàn châu Âu.
Một trong những tác động phụ có thể thấy là các nước ngoài EU có liên kết với mạng lưới điện của EU - chẳng hạn như Anh, Thụy Sỹ và các quốc gia Balkan - được hưởng lợi từ việc trợ giá khí đốt của khối, do đó họ có thể tăng mức tiêu thụ điện.
Một lý do khác là Đức, Hà Lan, Italy và các quốc gia khác phụ thuộc vào các nhà máy điện chạy bằng khí đốt sẽ phải trả chi phí cao hơn để trang trải các khoản trợ cấp, trong khi những quốc gia chủ yếu sử dụng các nguồn điện khác, ví dụ như Pháp- nước chủ yếu sử dụng điện hạt nhân - sẽ được hưởng lợi về mặt tài chính.
EC đang kêu gọi một "phương pháp có tính cấu trúc hơn". Họ dự định sẽ tách điện từ khí đốt một cách hiệu quả với điện được tạo ra từ những nguồn năng lượng tái tạo hoặc nhà máy điện hạt nhân và đưa ra các mức giá khác nhau cho mỗi loại.