|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chuyên gia: Nước đi của VinFast rủi ro cao nhưng nếu thành công sẽ mang lại lợi nhuận khủng

10:55 | 08/01/2022
Chia sẻ
"Nếu VinFast muốn tiến ra thị trường toàn cầu ở Mỹ và các nước châu Âu, tôi nghĩ rằng đó là một chiến lược tốt để thâm nhập với xe điện chạy bằng pin", ông Titikorn Lertsirirungsun, Giám đốc khối ASEAN của LMC Automotive, nhận xét.
Financial Times: Nước đi của VinFast tiềm ẩn rủi ro lớn, nhưng có lợi nhuận cao - Ảnh 1.

VinFast đã giới thiệu dải sản phẩm xe điện hoàn chỉnh trải dài trên 5 phân khúc tại triển lãm CES 2022. (Ảnh: VinFast).

Ngày 6/1, tại triển lãm CES 2022, hãng xe Việt – VinFast bất ngờ đưa ra tuyên bố sẽ ngừng sản xuất ô tô chạy bằng động cơ đốt trong vào cuối năm 2022 - chỉ hai năm rưỡi sau khi những chiếc đầu tiên được xuất xưởng.

Bà Lê Thị Thu Thủy, Giám đốc điều hành toàn cầu của VinFast cho biết công ty có kế hoạch bắt đầu phân phối ô tô tại Mỹ và châu Âu trong năm nay với mục tiêu "trở thành một trong những thương hiệu sản xuất xe điện hàng đầu trên thế giới".

"Lĩnh vực ô tô điện vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển, mức độ cạnh tranh chưa quá gay gắt và vẫn còn dư địa để bứt phá cho các thương hiệu mới. VinFast đang bước vào thị trường quốc tế với tiềm năng hơn một tỷ chiếc ô tô chạy bằng khí đốt sẽ được thay thế bằng ô tô điện trong tương lai gần", lãnh đạo Vingroup chia sẻ.

Tờ Financial Time nhận xét rằng sự thúc đẩy vươn ra thị trường quốc tế là một nỗ lực đáng ghi nhận của Vingroup. Đây cũng là một sự đánh cược táo bạo đối của VinFast nói riêng và Việt Nam nói chung. 

Việt Nam từ lâu được biết đến là quốc gia đã xây dựng nền kinh tế phát triển nhanh nhờ sản xuất gia công cho các công ty nước ngoài nhưng lại có ít sản phẩm mang nhãn hiệu riêng được bạn bè quốc tế biết đến.

Đại diện VinFast cho biết: "Bước đi táo bạo này khiến VinFast trở thành một trong những công ty ô tô đầu tiên trên thế giới chuyển hoàn toàn sang sản xuât các phương tiện chạy điện thuần túy, khẳng định vị thế dẫn đầu trong cuộc cách mạng xe điện toàn cầu".

Xe điện chiếm một phần nhỏ doanh số bán xe trên toàn thế giới vì giá cao hơn và nhu cầu chưa thực sự rõ ràng. Việc chấp nhận loại hình xe điện này diễn ra đặc biệt chậm ở các thị trường mới nổi như Việt Nam. 

Do đó, để kích cầu và giảm thiểu chi phí, VinFast đã cho phép khách hàng thuê pin - bộ phận đắt tiền nhất trên xe điện. Vingroup đã bán được khoảng 33.000 ô tô tại thị trường Việt Nam trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 11/2021.

Titikorn Lertsirirungsun, Giám đốc khối ASEAN của LMC Automotive, một công ty tư vấn chuyên về phương tiện giao thông có trụ sở tại Anh, mô tả kế hoạch và bước đi của VinFast là "rủi ro lớn, nhưng lợi nhuận cao".

Ông nói: "Nếu VinFast muốn tiến ra thị trường toàn cầu ở Mỹ và các nước châu Âu, tôi nghĩ rằng đó là một chiến lược tốt để thâm nhập với xe điện chạy bằng pin. Nếu thâm nhập bằng các công nghệ thông thường, bạn sẽ phải cạnh tranh với những thương hiệu cũ, nhưng nếu nhập bằng công nghệ mới, bạn sẽ cạnh tranh với các thương hiệu khác".

Vingroup đã mua công nghệ nước ngoài và tuyển dụng các giám đốc điều hành từ các nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới để khởi động liên doanh ô tô vào năm 2017. Công ty đã xây dựng một nhà máy ở Hải Phòng để bắt đầu sản xuất ô tô và xe máy điện vào năm 2019. Cả 5 mẫu ô tô điện của VinFast được thiết kế bởi nhà sản xuất đến từ Ý Pininfarina và Torino Design.

Quốc Anh

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.