|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

VDSC: Động lực cho tăng trưởng sản xuất vẫn tương đối yếu

09:56 | 06/03/2024
Chia sẻ
Theo VDSC, sản xuất công nghiệp dù tăng trưởng nhẹ nhưng vẫn rất yếu bởi mức nền năm ngoái rất thấp (-6,3%). Đồng thời, những mặt hàng có sự cải thiện trong hoạt động sản xuất đều không phải mặt hàng xuất khẩu chủ lực như thực phẩm (thuỷ sản, sữa, đường), phân bón, và điện.

Theo báo cáo chuyên đề vĩ mô từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong hai tháng đầu năm, tăng trưởng sản xuất công nghiệp cải thiện nhẹ trong khi tiêu dùng vẫn yếu.

Tình trạng của hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 2 không có nhiều chuyển biến so với tháng trước. Do kỳ nghỉ Tết nguyên đán rơi vào tháng 2/2024 nên chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 18% so với tháng trước và giảm 6,8% so với cùng kỳ. Luỹ kế hai tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 5,7% so với cùng kỳ.

Xét trên mức nền tăng trưởng âm 6,3% của cùng kỳ năm 2023 thì mức phục hồi của hoạt động sản xuất công nghiệp vẫn khá yếu. Đặc biệt khi nhìn vào những mặt hàng có sự cải thiện trong hoạt động sản xuất gồm có thực phẩm (thuỷ sản, sữa, đường), phân bón, và điện. Trái lại, những ngành hàng xuất khẩu chủ lực vẫn chưa cho thấy tăng trưởng tích cực trở lại như dệt may, da giày hay hàng điện tử.

Kết quả khảo sát điều kiện kinh doanh lĩnh vực sản xuất cho thấy chỉ số PMI tháng 2/2024 tăng lên 50,4 điểm, tăng nhẹ 0,1 điểm so với tháng trước nhờ đơn hàng mới tăng nhẹ tháng thứ hai liên tiếp và việc làm tăng trở lại lần đầu tiên trong bốn tháng.

Ngoài ra, niềm tin kinh doanh cũng đạt mức cao nhất trong một năm phản ánh sự lạc quan về triển vọng đơn hàng. Tuy nhiên các thước đo về tồn kho thành phẩm, hàng mua và mức tăng giá hạn chế trong báo cáo PMI tháng 2 hàm ý động lực cho tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất của Việt Nam hiện tại vẫn tương đối yếu.

 

Các chuyên gia từ VDSC đánh giá tình trạng sử dụng hàng tồn kho thành phẩm để đáp ứng đơn hàng và tồn kho hàng mua thay cho tăng mua nguyên vật liệu đầu vào cũng trùng khớp với diễn biến tăng trưởng xuất nhập khẩu hai tháng đầu năm nay.

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch thương mại tăng trưởng mạnh trong 2T2024, xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt tăng 19,2% và 18% so với cùng kỳ, một phần là do trên cơ sở mức nền thấp của cùng kỳ năm 2023.

Trái với kết quả hoạt động sản xuất công nghiệp, hoạt động xuất khẩu của các nhóm hàng dệt may, giày dép và điện tử rất tích cực trong hai tháng đầu năm. Ước tính của Tổng cục Thống kê (TCTK) cho thấy xuất khẩu hàng điện tử tăng 19,8% so với cùng kỳ trong hai tháng đầu năm 2024, dệt may tăng trưởng 15%, giày dép tăng 18,3%, thuỷ sản tăng 22,3%, xuất khẩu gỗ ghi nhận mức tăng mạnh nhất là 43,8%.

Việc xuất khẩu các mặt hàng này tăng trưởng mạnh trong khi hoạt động sản xuất không tăng trưởng là phù hợp với kết quả khảo sát PMI khi các nhà sản xuất đang sử dụng hàng tồn kho thành phẩm để đáp ứng đơn hàng.

 

Trong bối cảnh hoạt động sản xuất cải thiện nhẹ, hoạt động tiêu dùng trước và sau Tết đều tương đối yếu. Tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng hoá và dịch vụ trong tháng Hai tăng 8,5% so với cùng kỳ, tăng nhẹ so với mức tăng của tháng trước.

Trong đó, doanh số bán lẻ hàng hoá tăng chậm lại, tăng 7% trong tháng 2/2024, thấp hơn mức tăng 7,3% trong tháng 1/2024. Doanh số bán lẻ dịch vụ cải thiện so với tháng trước nhờ dịch vụ lưu trú và ăn uống sôi động trong kỳ nghỉ Lễ, doanh số bán lẻ dịch vụ tăng 11,1% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 8,5% trong tháng trước.

Dù vậy, doanh thu bán lẻ chung hai tháng đầu năm 2024 tăng 8,1% so với cùng kỳ và chỉ tăng 5% sau khi loại trừ yếu tố giá, thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 10,9% được ghi nhận trong cùng kỳ năm 2023. Lạm phát lĩnh vực bán lẻ tăng trở lại do ảnh hưởng của chi tiêu trong dịp lễ Tết.

Theo TCTK, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2024 tăng 1,04% so với tháng trước và tăng 3,98% so với cùng kỳ. Những mặt hàng liên quan đến lĩnh vực bán lẻ đều tăng khá cao như chỉ số giá lương thực, thực phẩm tăng 1,71% so với tháng trước, đồ uống và thuốc lá; văn hoá giải trí, du lịch; hàng hoá khác đều tăng 0,8%.

Lạm phát hai tháng đầu năm cao hơn nhiều so với dự báo cả năm 2024 của VDSC ở mức 3,5%. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích của VDSC kỳ vọng áp lực tăng giá hàng hoá có thể giảm bớt sau khi hiệu ứng Tết kết thúc bởi hiện giá dầu thô thế giới vẫn đang biến động trong kịch bản cơ sở là 80 - 90 USD/thùng.

Hạ An

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.