|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sản xuất công nghiệp sụt nhẹ, Bắc Ninh giảm tới 12,3%

14:51 | 29/01/2024
Chia sẻ
Mặc dù tháng 1 năm ngoái là giai đoạn Tết Nguyên đán song năm nay ba địa phương Cà Mau, Bắc Ninh, Sơn La vẫn ghi nhận sản xuất công nghiệp tăng trưởng âm. Trong đó, thủ phủ sản xuất công nghiệp Bắc Ninh sụt giảm tới 12,3%.

Tổng cục Thống kê vừa công bố Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2024, trong đó đáng chú ý là chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2024 ước tính giảm 4,4% so với tháng trước nhưng vẫn tăng 18,3% so với tháng 1/2023. Nguyên nhân là do tháng 1 năm ngoái rơi vào giai đoạn Tết Nguyên đán khiến chỉ số sản xuất công nghiệp xuống thấp.

So với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 15,1 điểm % vào mức tăng chung; sản xuất và phân phối điện tăng 21,6%, đóng góp 1,9 điểm % cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,7%, đóng góp 0,1 điểm %; ngành khai khoáng tăng 7,3%, đóng góp 1,2 điểm %. 

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.

Tốc độ tăng/giảm IIP tháng 1/2024 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương (%). (Nguồn: TCTK).

Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.

Với riêng ngành chế biến, chế tạo trong tháng 1, nhiều địa phương có chỉ số sản xuất tăng cao là Quảng Ninh tăng 157,9%; Bắc Giang tăng 57,7%; Nam Định tăng 56,9%; Vĩnh Long tăng 51,2%; Kiên Giang tăng 47,7%; Phú Thọ tăng 39,4%. 

Ở chiều ngược lại, nhiều địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 1/2024 so với cùng kỳ năm trước tăng thấp hoặc giảm là: Quảng Trị tăng 8,5%; Thừa Thiên - Huế tăng 7,9%; Tuyên Quang tăng 6,2%; Thái Nguyên tăng 4,7%; Bắc Ninh giảm 12,6%; Cà Mau giảm 9,2%; Lào Cai giảm 2,3%.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong tháng 1/2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước gồm: Đường kính tăng 66,2%; thép cán tăng 59,6%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 57,1%; sữa bột tăng 47,4%; sơn hóa học tăng 44,7%; phân hỗn hợp NPK tăng 40,7%; thép thanh, thép góc tăng 37,5%; thuốc lá điếu tăng 34,7%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Linh kiện điện thoại giảm 15,3%; ti vi giảm 11,3%; điện thoại di động giảm 3,5%; dầu mỏ thô khai thác giảm 2,2%.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/1 tăng 0,5% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 0,1% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,1%, doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 0,1% và doanh nghiệp FDI tăng 0,7%.

So với cùng kỳ năm trước, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,9%, doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 1,3%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,8%.

Theo ngành hoạt động, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng không đổi so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 0,7% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 0,5% và tăng 0,1%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 0,2% và tăng 0,7%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,1% và tăng 1%.

Hạ An