|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tăng ba tháng liên tiếp, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) có tích cực như kỳ vọng?

11:50 | 12/12/2023
Chia sẻ
Mặc dù IIP tăng trưởng ba tháng liên tiếp nhưng những biến số vĩ mô khác như PMI lại chạm mức thấp nhất trong vòng 5 tháng. Theo PGS. TS Phạm Thế Anh với tình hình thực tế hiện nay, khó có thể kỳ vọng khu vực sản xuất công nghiệp đang hồi phục tích cực và tăng trưởng mạnh mẽ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) lũy kế của Việt Nam đã duy trì mức tăng trưởng dương trong ba tháng liên tiếp kể từ tháng 9. Tháng 11, IIP  tăng 3so với tháng trước và tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. 

Tuy nhiên, những con số này có thực sự thể hiện nền sản xuất công nghiệp trong nước đang tích cực khi nhiều biến số vĩ mô khác lại cho thấy bức tranh không mấy sáng sủa.

Phân tích về vấn đề này, PGS. TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng để đánh giá sản xuất công nghiệp có thực sự tích cực không chỉ nhìn vào sự tăng trưởng IIP mà cần nhìn vào nhiều yếu tố như tiêu thụ năng lượng, PMI, lượng tồn kho.

Với tình hình thực tế hiện nay, khó có thể kỳ vọng khu vực sản xuất công nghiệp đang hồi phục tích cực và tăng trưởng mạnh mẽ. 

Theo ông, ngành công nghiệp chế biến chế tạo liên quan đến xuất khẩu và bất động sản hồi phục nhẹ nhưng so với trung bình giai đoạn 2017 - 2019 (ba năm trước đại dịch) vẫn thấp hơn rất nhiều. 

Sản xuất và phân phối điện cải thiện nhờ thời tiết nhưng cũng chưa thực sự tích cực. Tồn kho chế biến, chế tạo tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, sản xuất có thể vẫn tăng nhưng tồn kho cũng tăng cao, chuyên giá đánh giá.

Tăng trưởng của một số ngành đóng góp chính vào tăng trưởng GDP. (Nguồn: GSO).

Một chỉ số quan trọng cho thấy ngành sản xuất công nghiệp không quá tích cực là chỉ số quản trị mua hàng (PMI). Theo chuyên gia, chỉ số này sát thực hơn với ngành sản xuất kinh doanh.

Trên thực tế, PMI của Việt Nam tháng 11 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng là 47,3 điểm, từ mức 49,6 trong tháng 10. Số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh trong tháng 11 trong bối cảnh nhu cầu suy yếu ở cả thị trường trong nước và quốc tế, chấm dứt chuỗi tăng trưởng kéo dài ba tháng.

Trong 11 tháng đầu năm nay chỉ có hai tháng PMI trên 50 điểm, song chỉ mang yếu tố mùa vụ. Tháng 9/2023, các thị trường lớn nhập khẩu hàng hoá để phục vụ cho mùa mua sắm cuối năm khi tồn kho của họ đã xuống thấp. Đến tháng 10 và tháng 11, PMI quay trở lại dưới 50 điểm cho thấy tình trạng sản xuất gặp khó khăn, đơn hàng giảm, chi phí gia tăng.

"Thông thường khi PMI dưới 50 điểm, sẽ không có tăng trưởng ở khu vực này nhưng thống kê chính thức vẫn cho thấy tăng trưởng IIP đến 5% trong quý III", ông Thế Anh nêu vấn đề.

Nhìn vào các ngành công nghiệp, số liệu thống kê có sự vênh nhau khá lớn. Thông thường, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hiện đang đóng góp tới 1/4 GDP của Việt Nam và tăng trưởng sản lượng công nghiệp luôn cao hơn tăng trưởng GDP nhưng từ năm 2022 đến nay có sự bất thường khi tăng trưởng sản lượng công nghệ thấp hơn mức tăng trưởng GDP chung.

Tăng trưởng không thực sự tươi sáng

Theo S&P Global, nhu cầu yếu khiến số lượng đơn đặt hàng mới của các nhà sản xuất Việt Nam giảm trở lại trong tháng 11. Các công ty cũng cắt giảm việc làm và hoạt động mua hàng, đồng thời cũng tỏ ra ngần ngại trong việc tích trữ hàng tồn kho.

Số lượng đơn hàng mới giảm một phần là do phản ứng của khách hàng đối với việc tăng giá khi chi phí đầu vào ghi nhận mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 2. Theo đó, các nhà sản xuất có thể gặp khó khăn trong việc cạnh tranh giá cả trong những tháng tới.

S&P Global dự báo ngành sản xuất sẵn sàng bước vào năm 2024 với tình trạng khá ảm đạm song nhu cầu sẽ sớm tăng trở lại. 

Chỉ số PMI của Việt Nam giai đoạn từ năm 2011 đến nay

Báo cáo từ Công ty Chứng khoán Yuanta đánh giá các hoạt động sản xuất tiếp tục xu hướng hồi phục trong tháng 11, tăng trưởng so với cùng kỳ từ mức nền thấp, nhưng có sự chậm hơn so với tháng 10. Mức tăng so với cùng kỳ năm ngoái là khá tốt nhưng tốc độ hồi phục vẫn ở mức chậm so với xu hướng chung của kinh tế thế giới.

Các chuyên gia Yuanta nhận thấy doanh nghiệp đều đang chuyển sang trạng thái phòng thủ và chờ đợi các tín hiệu mới từ vĩ mô. Đồng thời, trong thời điểm cận kề Tết, các doanh nghiệp càng có tâm lý “chốt sổ” và tạm dừng các kế hoạch mới.

Điểm cần lưu ý trong tháng 11 là áp lực lạm phát tiếp tục tăng do áp lực giá nhiên liệu và tỷ giá. Tuy nhiên, hai áp lực chi phí này đều sẽ giảm trong thời gian tới do kỳ vọng Fed dừng nâng lãi suất và % dự đoán Fed giảm lãi suất trong 2024 đã tăng lên.

Hạ An

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.