|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

PMI Việt Nam thấp nhất trong ASEAN, Philippines lên cao nhất

15:14 | 11/12/2023
Chia sẻ
Nhu cầu tăng mạnh cả trong và ngoài nước giúp đơn đặt hàng mới của Philippines tăng mạnh, trong khi đó ngành sản xuất của Việt Nam vẫn gặp khó khăn.

Trong bức tranh chung về tình hình sản xuất công nghiệp của khu vực ASEAN, Việt Nam đang nằm trong 4 nền kinh tế ghi nhận chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) thấp dưới mức 50 điểm cùng với Myanmar, Malaysia, Thái Lan.

PMI tháng 11 của Việt Nam đã giảm xuống 47,3 điểm, thấp nhất trong 5 tháng. Theo S&P Global, nhu cầu yếu khiến số lượng đơn đặt hàng mới của các nhà sản xuất Việt Nam giảm trở lại trong tháng 11. Các công ty cũng cắt giảm việc làm và hoạt động mua hàng, đồng thời cũng tỏ ra ngần ngại trong việc tích trữ hàng tồn kho.

Số lượng đơn hàng mới giảm một phần là do phản ứng của khách hàng đối với việc tăng giá khi chi phí đầu vào ghi nhận mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 2.

Malaysia đã ghi nhận chỉ số PMI luôn ở dưới ngưỡng 50 điểm kể từ đầu năm. Trong khi đó, PMI của Thái Lan và Myanmar đã có thời điểm tăng mạnh trên ngưỡng 50 nhưng sau đó lại quay đầu giảm. Thái Lan đã có 4 tháng liên tiếp PMI dưới ngưỡng này, còn Myanmar mới ở tháng thứ hai.

 

Trong số 7 nền kinh tế ASEAN, hoạt động sản xuất đang sôi động nhất ở Philippines thể hiện ở chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) đang tiếp tục xu hướng tăng, lên mức 52,7 điểm trong tháng 11, cao nhất trong 9 tháng. Từ đầu năm 2022 đến nay, PMI của nước này luôn trên ngưỡng 50 điểm, ngoại trừ tháng 8/2023 đạt 49,7 điểm.

S&P Global cho hay nhu cầu tăng mạnh cả trong và ngoài nước giúp đơn đặt hàng mới tăng và doanh số bán hàng cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, động lực duy trì PMI của Philippines lại nằm ở các mặt hàng khoáng sản chứ không phải từ mặt hàng chủ lực là điện tử xuất khẩu.

Số liệu 9 tháng đầu năm cho thấy, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của nước này đều tăng trưởng âm, ngoại trừ các mặt hàng khoáng sản. Về thị trường, Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất ghi nhận sụt giảm gần 9% so với cùng kỳ. Chỉ có Trung Quốc (thị trường xuất khẩu lớn thứ hai) và Hàn Quốc tăng trưởng dương.

Hai nền kinh tế ASEAN tiếp theo có chỉ số PMI trên ngưỡng 50 điểm là Indonesia và Singapore. Trong khi sản xuất của Indonesia vẫn duy trì tăng trưởng, sản xuất của Singapore ghi nhận cải thiện lần đầu trong ba tháng.

Nhận định chung về ngành sản xuất ASEAN, S&P Global cho rằng sản lượng của các nhà máy trong khu vực tăng trưởng chủ yếu nhờ các đơn hàng tồn đọng tích lũy trong nửa đầu năm 2023. Nhu cầu tiếp tục suy yếu trên toàn khu vực khiến đơn hàng giảm tháng thứ ba liên tiếp. Nếu nhu cầu của khách hàng tiếp tục suy yếu, nó sẽ gây bất lợi cho hoạt động của ngành sản xuất các nước ASEAN. 

Nói riêng về Việt Nam, nhóm phân tích của Chứng khoán Vietcap mới đây nhận định sản xuất có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do lượng đơn hàng mới và lượng đơn hàng xuất khẩu mới giảm.

Tuy nhiên một số yếu tố có thể hỗ trợ sản xuất trong những tháng tới bao gồm nhu cầu cao hơn trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán; Quốc hội thông qua việc gia hạn mức giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến ngày 30/6/2024 và có khả năng tiếp tục gia hạn giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu vào năm 2024 để hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp. 

Trong khi đó, Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng việc chỉ số PMI tháng 11 tiếp tục duy trì dưới ngưỡng 50 điểm và thấp nhất trong 5 tháng trở lại đây là tín hiệu cho thấy ngành sản xuất vẫn khó khăn trong tháng cuối năm và năm 2024 do nhu cầu cả trong và ngoài nước đều giảm. Các doanh nghiệp tiếp tục giảm sản lượng, việc làm và mua hàng, đồng thời hạn chế tích trữ hàng tồn kho. 

Anh Đào

Toàn cảnh kết quả kinh doanh quý I: Vượt qua giai đoạn khó khăn nhất
SSI Research cho biết kết quả lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết duy trì tăng trưởng trong quý I/2024, tuy nhiên tốc độ tăng đã chậm lại. Song đơn vị phân tích này nhìn nhận kết quả lợi nhuận của các doanh nghiệp có thể đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất để bước vào giai đoạn tăng trưởng ổn định hơn.