|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Ngành sản xuất có thể vẫn khó khăn trong năm 2024 do nhu cầu trong và ngoài nước đều giảm'

16:26 | 11/12/2023
Chia sẻ
Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng việc chỉ số PMI tháng 11 tiếp tục duy trì dưới ngưỡng 50 điểm và thấp nhất trong 5 tháng trở lại đây là tín hiệu cho thấy ngành sản xuất vẫn khó khăn trong tháng cuối năm và năm 2024 do nhu cầu cả trong và ngoài nước đều giảm.

PMI sản xuất của Việt Nam tháng 11 giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng là 47,3, từ mức 49,6 trong tháng 10. Theo S&P Global, số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh trong tháng 11 trong bối cảnh nhu cầu suy yếu ở cả thị trường trong nước và quốc tế, chấm dứt chuỗi tăng trưởng kéo dài ba tháng. 

 

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng việc chỉ số PMI tháng 11 tiếp tục duy trì dưới ngưỡng 50 điểm và thấp nhất trong 5 tháng trở lại đây là tín hiệu cho thấy ngành sản xuất vẫn khó khăn trong tháng cuối năm và năm 2024 do nhu cầu cả trong và ngoài nước đều giảm. Các doanh nghiệp tiếp tục giảm sản lượng, việc làm và mua hàng, đồng thời hạn chế tích trữ hàng tồn kho.  

Đồng quan điểm, Chứng khoán Vietcap cũng cho rằng sản xuất có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do lượng đơn hàng mới và lượng đơn hàng xuất khẩu mới giảm.

Tuy nhiên, theo Vietcap, một số yếu tố có thể hỗ trợ sản xuất trong những tháng tới bao gồm nhu cầu cao hơn trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán; Quốc hội thông qua việc gia hạn mức giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến ngày 30/6/2024 và có khả năng tiếp tục gia hạn giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu vào năm 2024 để hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp. 

Còn theo các chuyên gia của Chứng khoán Yuanta,  tình hình sản xuất trong tháng 11 cho thấy bức tranh tiếp tục “gam màu tối”. Số đơn hàng đã quay lại giảm sau 3 tháng tăng trước đó. Sản lượng, hoạt động mua hàng, việc làm, hàng tồn kho đều giảm.

"Chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp đều đang chuyển sang trạng trái phòng thủ và chờ đợi các tín hiệu mới từ vĩ mô. Một điểm cần nói thêm là hiện tại đã cận kề Tết, các doanh nghiệp càng có tâm lý “chốt sổ” và tạm dừng các kế hoạch mới", Yuanta cho hay trong báo cáo mới phát hành.

Nhận định lạc quan hơn, Chứng khoán Mirae Asset cho rằng sản xuất công nghiệp sẽ duy trì đà phục hồi, nhờ xuất khẩu cải thiện ở một số đối tác chính của Việt Nam và nhập khẩu tư liệu sản xuất đang thu hẹp mức giảm.

Trong tháng 11, xuất khẩu tiếp tục mở rộng đà tăng trưởng, ước đạt 31,08 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ. Sự phục hồi xuất khẩu diễn ra ở hầu hết các thị trường trọng điểm trong tháng 11, cụ thể là Mỹ (tăng 11,8% so với cùng kỳ, cải thiện so với mức tăng 9,9% trong tháng 10); Trung Quốc (tăng 26,1% so với cùng kỳ, so với mức tăng 11,7% trong tháng 10); EU (tăng 0,5% so với cùng kỳ, trước đó tháng 10 giảm 7,8%).

 

 

 

"Xuất khẩu kỳ vọng sẽ duy trì tăng trưởng dương trong các tháng tới, trong bối cảnh nhu cầu của một số thị trường xuất khẩu dần khả quan hơn trong các tháng cuối năm và lượng hàng tồn kho của Mỹ đã giảm từ mức đỉnh. Đáng chú ý, chỉ số PMI sản xuất toàn cầu tháng 11 đã tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng là 49,3 (so với 48,8 điểm trong tháng 10) với số lượng đơn đặt hàng mới, sản lượng, tồn kho hàng mua và việc làm trong tháng 11 cho thấy tốc độ giảm chậm hơn so với khảo sát tháng trước đó", Mirae Asset nhận định. 

Bên cạnh đó, các chuyên gia tại đây cũng cho rằng rủi ro chính với ngành sản xuất Việt Nam sẽ đến từ nhu cầu yếu hơn kỳ vọng trong bối cảnh kinh tế khó khăn và tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự kiến của các đối tác xuất khẩu chính.     

Anh Đào