Nhiều tín hiệu tích cực từ khu vực sản xuất, có thể trông chờ nền kinh tế sẽ tăng trưởng đột biến vào quý IV
Các số liệu thống kê đều cho thấy bức tranh kinh tế vĩ mô tháng 8 đang dần chuyển sang sáng màu hơn nhất là ở khu vực xuất khẩu và sản xuất công nghiệp.
Ngành sản xuất đang phục hồi mạnh mẽ
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 8 chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tiếp tục xu hướng tích cực hơn tháng trước, ước tính tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, nhiều thủ phủ sản xuất công nghiệp của cả nước từng ghi nhận IIP sụt giảm rất sâu như Bắc Ninh, Hải Phòng đã có sự đổi chiều bứt phá. Trong tháng 8, Hải Phòng là địa phương có tốc độ tăng chỉ số IIP tháng 8/2023 lớn nhất cả nước với mức tăng 26,4%; Bắc Ninh tăng 8,2%; Thái Nguyên tăng 6%; Bắc Giang tăng 5,4%; Vĩnh Phúc tăng 5,3%; TP HCM tăng 3,4%; Vĩnh Long tăng 2,2%; Hải Dương tăng 2,1%; Long An tăng 1,5%; Bình Dương tăng 1,1%.
Mặc dù, luỹ kế 8 tháng ước tính giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước song đây đã là con số tích cực so với mức giảm 0,7% của 7 tháng đầu năm và 1,2% trong 6 tháng đầu năm. Số lượng các địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trong 8 tháng đầu năm cũng áp đảo khi có tới 49 địa phương ghi nhận tăng trưởng và chỉ 14 địa phương ghi nhận sụt giảm.
Đáng chú ý là ngành chế biến, chế tạo tăng 3,5% trong tháng 8, giữ vững xu hướng tăng trưởng của tháng 7 (tăng 3,6%), đây là tín hiệu rất tích cực bởi đây là động lực quan trọng của ngành sản xuất công nghiệp và cả nền kinh tế.
Các địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 8 tháng năm 2023 tăng so với cùng kỳ năm trước tăng cao là: Bắc Giang tăng 16,4%; Phú Thọ tăng 15,7%; Nam Định tăng 13,8%; Kiên Giang tăng 13%; Hải Phòng tăng 12,1%; Phú Yên tăng 11,8%.
Một yếu tố nữa là chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) đã lần đầu tiên lên vượt mức 50 điểm sau 6 tháng duy trì tình hình ảm đảm. Số liệu từ S&P Global cho thấy, PMI ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 8 đã tăng trở lại lên trên ngưỡng 50 điểm lần đầu trong 6 tháng.
Với kết quả 50,5 - tăng so với mức 48,7 của tháng 7, cho thấy các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất đã cải thiện nhẹ. Những dấu hiệu phục hồi về đơn hàng đã giúp cả số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng trở lại. Tương tự,sản lượng ngành sản xuất tăng trưởng trở lại trong tháng 8, từ đó kết thúc thời kỳ giảm sản lượng kéo dài 5 tháng.
Nhìn trong khối ASEAN, PMI của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2023 phục hồi theo hình chữ V, chạm đáy vào quý II và tăng trưởng đáng kể trong quý III. Hiện PMI của Việt Nam đã tăng lên trên ngưỡng 50 điểm, cao hơn Philippines và Thái Lan và Malaysia.
Lần đầu tiên trong lần lượt là hai năm và 20 tháng, cả Philippines và Thái Lan đều có ngành sản xuất rơi vào suy giảm còn Malaysia đã có ngành sản xuất suy giảm tháng thứ 12 liên tiếp với mức giảm khá lớn.
Khu vực xuất khẩu vượt đáy
Tương tự sản xuất công nghiệp, khu vực xuất khẩu cũng đã giảm bớt sự sụt giảm, trong tháng 8, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 60,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 435,23 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 10%; nhập khẩu giảm 16,2% .
Tính chung 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 227,71 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, trong khi luỹ kế 7 tháng xuất khẩu giảm 13,9% còn luỹ kế 6 tháng xuất khẩu giảm 15,2%.
Như vậy, mức sụt giảm của xuất khẩu đã ngày càng nhẹ đi, mang đến tín hiệu tích cực hơn cho nền kinh tế trong các tháng cuối năm.
Bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB cũng nhận định, có rất nhiều tín hiệu cho thấy xuất khẩu sẽ hồi phục vào cuối năm nay tiếp tục xu hướng tăng trong đầu năm sau. Nhu cầu nhập khẩu của Mỹ và EU sẽ khôi phục nhẹ vào cuối năm, là cơ hội cho Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam cần đi trước đón đầu trong sản xuất xanh. Người tiêu dùng tại các thị trường phát triển như Mỹ châu Âu hiện đang muốn có các sản phẩm xanh vì vậy nếu Việt Nam đi trước sẽ có cơ hội đón đầu, tiên phong trong lĩnh vực này, chuyên gia từ WB khuyến nghị.
Đầu tư công sẽ là trụ cột quan trọng
Bình luận về kinh tế vĩ mô 8 tháng đầu năm, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, trong quý II nền kinh tế đã có những tín hiệu khởi sắc hơn quý I nhưng vẫn nằm dưới mức kỳ vọng.
Những tín hiệu này đến từ những yếu tố căn bản, trong hai tháng gần đây, giải ngân vốn đầu tư công đã được đẩy mạnh.
Bên cạnh đó, việc thực hiện vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khá tốt, các dự án mới tiếp tục đẩy vào Việt Nam tạo tín hiệu rất lớn rằng thị trường Việt Nam đã được qua được những khó khăn, không chỉ trong nội tại mà còn là những vấn đề bên ngoài như địa chính trị, địa kinh tế,…
"Ngoài ra, các đơn hàng xuất khẩu cũng bắt đầu quay lại, đó là những tín hiệu tốt cho thấy nền kinh tế đã bắt đầu phục hồi", ông Tú Anh nói.
Nền kinh tế sẽ bắt đầu phục hồi trong quý III còn phục hồi mạnh mẽ thì sẽ rơi vào quý IV khi mà xuất khẩu bớt khó và đầu tư công, tiêu dùng tăng trưởng mạnh.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 352.100 tỷ đồng, bằng 49,4% kế hoạch năm và tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 (đạt 47,6%) và tăng 17,1% mà giá trị vốn đầu tư công năm nay còn cao hơn rất nhiều so với năm ngoái nên tác động lan toả đến nền kinh tế sẽ mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Với mục tiêu thực hiện trên 95% vốn đầu tư công trên tổng số 711.000 tỷ đồng mà Quốc hội giao như vậy còn 322.000 tỷ đồng cần giải ngân trong 4 tháng cuối năm, một con số rất lớn nhưng nếu đạt được cũng sẽ mang lại một nguồn động lực khổng lồ cho nền kinh tế.
Bởi theo thống kê, cứ một đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,62 đồng vốn đầu tư của các khu vực ngoài nhà nước, tăng được 1% tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công sẽ kéo GDP tăng 0,06 điểm %.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng, chưa khi nào mà Chính phủ quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công như hiện nay. Sau khi giải toả được yếu tố "sợ trách nhiệm" của các địa phương, có vẻ như giải ngân vốn đầu tư công ngày càng thuận lợi, ông Nghĩa phân tích.
Các vấn đề còn tồn tại của nền kinh tế đang được Chính phủ tích cực tháo gỡ với một quyết tâm chính trị rất lớn, từ việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp,...Có thể thấy, Chính phủ còn còn có dự kiến đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công bằng việc kiểm soát lại toàn bộ mỏ vật liệu của các tỉnh.
Rất nhiều địa phương cũng học hỏi lẫn nhau về kinh nghiệm giải phóng mặt bằng, trong đó người đứng đầu địa phương kiêm Trưởng ban giải phóng mặt bằng cho các dự án giao thông trọng điểm để đảm bảo tiến độ, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công,..., ông Nghĩa cho biết.