|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm tăng 5,7%, Bắc Ninh vẫn giảm sâu hơn 15%

11:52 | 29/02/2024
Chia sẻ
Trong khi chỉ số sản xuất công nghiệp của cả nước vẫn giữ được mức tăng 5,7% trong 2 tháng đầu năm 2024 thì riêng Bắc Ninh, một trong những "thủ phủ" công nghiệp quan trọng lại giảm sâu tới 15,3%

Tổng cục Thống kê vừa công bố Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 2/2024, trong đó đáng chú ý là chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính giảm 18% so với tháng trước, giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước do thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn vào trọn trong tháng 2.

Trong đó, ngành khai khoáng giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước; ngành chế biến, chế tạo giảm 6,5%; sản xuất và phân phối điện giảm 3,6%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,1%.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, IIP ước tính tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước trong khi cùng kỳ năm 2023 giảm 2,9%.

Trong đó, ngành khai khoáng giảm 3,5% (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,4%), làm giảm 0,6 điểm % trong mức tăng chung; ngành chế biến, chế tạo tăng 5,9% (cùng kỳ năm 2023 giảm 3,1%), đóng góp 5,2 điểm %; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,2% (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,6%), đóng góp 1,1 điểm %; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,5% (cùng kỳ năm 2023 tăng 2,9%), đóng góp 0,04 điểm %.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 56 địa phương và giảm ở 7 địa phương trên cả nước. Trong đó, Trà Vinh, Bắc Giang, Phú Thọ, Thanh Hoá, Hà Nam là những địa phương có IIP tăng cao nhất cả nước.

Tổng cục Thống kê lý giải, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.

Với riêng ngành chế biến, chế tạo các địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp ngành tăng cao trong 2 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, gồm: Bắc Giang tăng 29%; Phú Thọ tăng 27,6%; Hà Nam tăng 22,2%; Thanh Hóa và Quảng Ngãi cùng tăng 22,1%; Bình Phước tăng 20%; Kiên Giang tăng 19,7%; Tây Ninh tăng 16,9%.

Tốc độ tăng/giảm IIP trong 2 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương (%). (Nguồn: TCTK). 

Ở chiều ngược lại, một số địa  phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.

Chỉ số IIP tháng 2/2024 so với tháng trước của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn giảm mạnh là: Vĩnh Long giảm 27,2%; Hải Dương giảm 25,5%; TP HCM giảm 24,3%; Bình Dương giảm 24,1%; Hà Nội giảm 20,3%; Đồng Nai giảm 19,6%; Trà Vinh giảm 17,5%; Long An giảm 13,7%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 11,7%. 

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 2 tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm trước: Xăng dầu tăng 44,7%; phân hỗn hợp NPK tăng 29%; thép cán tăng 24,1%; sơn hóa học tăng 22,4%; đường kính tăng 21,1%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 20,8%; thép thanh, thép góc tăng 18,6%; sữa bột tăng 15,3%; điện sản xuất tăng 12,1%.

Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước, gồm: Linh kiện điện thoại giảm 20,8%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 16,1%; ti vi giảm13,7%; bia giảm 11,5%; ô tô giảm 9,8%; sắt, thép thô giảm 8,6%; điện thoại di động giảm 6,7%.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/02/2024 tăng 0,3% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 0,5% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước không đổi so với tháng trước và giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 0,1% và giảm 2,2%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,5% và tăng 0,4%.

Hạ An