Là 'thủ phủ' của Samsung, vì sao Bắc Ninh đang chững lại trong tăng trưởng?
Ngày 25/3/2008, Samsung Electronics Việt Nam được trao giấy chứng nhận đầu tư tại Bắc Ninh với tổng số vốn 670 triệu USD. Sau hơn một thập kỷ, từ số vốn 670 triệu USD đầu tư ban đầu, đến nay Samsung đã chính thức đầu tư tới 20 tỷ USD vào Việt Nam trong đó có gần 50% là đầu tư vào Bắc Ninh.
Sau 15 năm kể từ khi Samsung - doanh nghiệp FDI lớn nhất Việt Nam đầu tư, Bắc Ninh đã vươn lên trở thành một trong những địa phương có kim ngạch xuất khẩu luôn nằm trong top đầu cả nước. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu địa phương này đạt 45,1 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục duy trì vị trí thứ hai cả nước, sau TP HCM.
- TIN LIÊN QUAN
-
Bắc Ninh, Thái Nguyên nhường chỗ những 'ngôi sao' thu hút FDI mới 22/02/2024 - 07:15
Năm 2023, Bắc Ninh tiếp tục đứng ở vị trí thứ hai cả nước về kim ngạch xuất khẩu với 39,3 tỷ USD, chỉ sau TP HCM. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của Bắc Ninh đã sụt giảm 12,9%, GRDP của Bắc Ninh tăng trưởng âm 9,28%. Đây là mức giảm mạnh nhất sau nhiều năm và cũng là mức giảm sâu nhất trong cả 63 tỉnh, thành phố trong năm 2023.
Xét theo khu vực kinh tế trong năm 2023, trong năm 2023, khu vực công nghiệp - xây dựng của Bắc Ninh chiếm tỷ trọng cao nhất nhưng cũng giảm mạnh nhất tới 13,24%, khu vực nông, lâm thuỷ sản giảm 2,31% còn khu vực dịch vụ duy trì tăng trưởng dương nhưng không cao 3,63%.
Phụ thuộc quá nhiều vào một vài đối tác
Tăng trưởng của Bắc Ninh chững lại cũng không quá bất ngờ khi hoạt động kinh doanh của ông lớn Samsung không mấy tích cực.
Trong năm 2023, kết quả kinh doanh của hai cơ sở ở Bắc Ninh là Samsung Electronics (SEV) và Samsung Display (SDV) cũng đều giảm. Trong đó, doanh thu và lợi nhuận của SEV lần lượt đạt 15,1 tỷ USD và 1,1 tỷ USD còn SDV là 18,2 tỷ USD doanh thu và 0,8 tỷ USD lợi nhuận, thấp hơn khá nhiều so với kết quả của năm trước đó.
Phụ thuộc quá nhiều vào một hoặc một vài doanh nghiệp lớn trong khi nguồn vốn FDI đi xuống là những nguyên nhân khiến tăng trưởng của Bắc Ninh chững lại. Ngay cả lãnh đạo Bắc Ninh cũng thừa nhận điều này.
Việc ít nhiều phải phụ thuộc vào đối tác FDI do đối tác chiếm tỷ trọng quá lớn sẽ mang lại rủi ro cao hơn, ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh chia sẻ với chúng tôi trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2023.
Theo ông, Bắc Ninh nói riêng và các tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp lớn nói chung, tỷ lệ tăng trưởng phụ thuộc khá nhiều vào thị trường thế giới, vào "sức khỏe" của các nền kinh tế trên toàn cầu. Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cho biết, từ bài học này Bắc Ninh sẽ tiến tới phân tán nguồn lực phát triển, tránh tập trung quá nhiều vào một lĩnh vực nào đó.
"Bắc Ninh nhận thức được rằng để cân bằng thì sẽ phải đẩy mạnh đa dạng hoá đối tác, hướng tới có nhiều kênh phát triển hơn. Trong điều kiện khó khăn, việc đa dạng hóa lĩnh vực và đối tác sẽ mang lại an toàn hơn, còn trong điều kiện thuận lợi, điều này sẽ tạo ra động lực mới cho sự phát triển", ông Tuấn nhận định.
Không chỉ sụt giảm GRDP, thu hút FDI của Bắc Ninh trong năm qua cũng thấp hơn khá nhiều các tỉnh thu hút FDI trọng điểm phía Bắc như Bắc Giang, Hải Phòng hay Quảng Ninh.
Tính từ đầu năm đến 20/12/2023, Bắc Ninh thu hút được hơn 1,6 tỷ USD, giảm 21,1% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi Hải Phòng thu hút được 3,2 tỷ USD, Quảng Ninh 3,1 tỷ USD, Bắc Giang 3 tỷ USD hay ngôi sao mới như Nghệ An cũng thu hút được 2,8 tỷ USD.
Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 11,44% còn các ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng và hơi nước tăng nhẹ 1,35%, ngành cung cấp, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,84%.
Song tỷ trọng quá lớn của ngành chế biến, chế tạo khiến IIP của Bắc Ninh giảm tới 11,34% và là một trong những địa phương giảm mạnh nhất cả nước. Đây cũng là mức giảm sâu nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Lê Trung Hiếu cho biết, trong cơ cấu kinh tế của Bắc Ninh, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng gần 70%. Trong khi đó, năm 2022, ngành điện tử chiếm khoảng hơn 50% trong cơ cấu GRDP của Bắc Ninh, năm nay con số này có giảm song vẫn chiếm tỷ trọng 45%. Tăng trưởng ngành điện tử giảm sâu là nguyên nhân chính khiến GRDP của Bắc Ninh giảm", ông Hiếu nhấn mạnh.
Cùng là địa phương có ngành chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn song Bắc Giang phát triển rất đều các ngành và vẫn tiếp cận được các luồng đầu tư FDI mới, những dự án đầu tư quy mô lớn đi vào hoạt động. Quảng Ninh cũng tiếp cận được các luồng đầu tư FDI mới trong suốt mấy năm dịch, hiện nay vẫn tiếp tục. Do đó, các địa phương này không bị sụt giảm.
"Những tỉnh trước đây có tăng trưởng rất lớn như Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, trong giai đoạn dịch và những năm như năm nay bị ảnh hưởng rất lớn về sản xuất trong lĩnh vực chế biến, chế tạo", Phó Tổng cục trưởng TCTK cho hay.
Thủ tục hành chính kéo dài, chậm trễ trong khâu giải phóng mặt bằng hay giá thuê bất động sản khu công nghiệp cao cũng là những nguyên nhân khiến Bắc Ninh kém sức hút trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo thống kê Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 từ VCCI, mặc dù Bắc Ninh xếp thứ 7 trong số các địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất. Tuy nhiên, so với các địa phương trọng điểm thu hút FDI khác như Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng hay Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh vẫn có thứ hạng thấp hơn.
Theo thống kê về nguồn cung bất động sản khu công nghiệp và tỷ lệ lấp đầy của Công ty chứng khoán SSI, diện tích bất động sản khu công nghiệp còn trống của Bắc Ninh cũng là cao nhất, dù nguồn cung cũng ở mức cao do đã đi trước so với các địa phương khác trong việc phát triển công nghiệp.
Giá thuê bất động sản khu công nghiệp tại Bắc Ninh cũng ở mức cao nhất so với các thủ phủ công nghiệp miền Bắc khác. Đây cũng là một nguyên nhân khiến nhà đầu tư cân nhắc khi đầu tư vào tỉnh này.
Cần tiếp cận các luồng đầu tư mới
Chỉ ra xu hướng đầu tư vào các cụm công nghiệp phía Bắc của các doanh nghiệp Trung Quốc, các chuyên gia từ VDSC cho rằng trong năm 2023 Hongkong và Trung Quốc đã vươn lên vị trí thứ 3 và thứ 4 trong số các đối tác đầu tư FDI vào Việt Nam.
Khẩu vị đầu tư của nhóm nhà đầu tư này tập trung ở ba nhóm ngành gồm: Sản xuất pin mặt trời, sản phẩm điện tử & linh kiện điện tử và công nghiệp phụ trợ ô tô. Nếu muốn đẩy mạnh đầu tư FDI, các địa phương có thể tập trung thu hút nguồn vốn này.
Ngoài ra, các ngành sản xuất công nghệ cao như chất bán dẫn là một lĩnh vực rất hấp dẫn bởi các dự án này đều có giá trị cao, sử dụng công nghệ tiên tiến và mang lại giá trị gia tăng cao.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Lê Trung Hiếu cũng khuyến cáo, không chỉ Bắc Ninh mà trong thu hút FDI, các tỉnh, thành phố phải thu hút nhiều ngành, lĩnh vực; không nên tập trung vào một số ngành, để tình trạng một số ngành chiếm cơ cấu rất lớn, quá phụ thuộc sẽ dễ dẫn tới rủi ro. Khi có ảnh hưởng gì sẽ ảnh hưởng ngay tới tăng trưởng của tỉnh, sau đó là tới đời sống kinh tế, dịch vụ liên quan.
"Khuyến nghị các địa phương thu hút FDI có chọn lọc, tập trung vào các ngành có lợi thế so sánh hiện nay mình đang hướng đến như sản phẩm chip, quang học..., đồng thời phải đi đôi với đào tạo, chuẩn bị nhân lực cho các ngành này", ông Hiếu nói.
Nói về chiến lược phát triển theo ngành nghề, Phó chủ tịch Bắc Ninh chia sẻ, Bắc Ninh sẽ bám sát vào quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Theo đó, Bắc Ninh sẽ theo định hướng trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, sản xuất thông minh, trong đó khai thác sâu vào lĩnh vực thương mại dịch vụ, đặc biệt là những dịch vụ văn hoá mà Bắc Ninh vốn rất có tiềm năng.
"Mục đích là để tạo ra sự phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, hướng tới tăng trưởng bền vững và tăng hiệu quả thụ hưởng toàn diện cho người dân", lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cho hay.