Chuyên gia kỳ cựu Phố Wall: ‘Thị trường sẽ chỉ tạo đáy khi lạm phát lập đỉnh’
Thị trường chứng khoán Mỹ vừa trải qua những ngày cực kỳ điên cuồng, liên tục nhảy múa giữa sắc xanh và sắc đỏ. Tuy nhiên, lực bán khốc liệt đồng nghĩa với việc chỉ số S&P 500 vẫn đang ở trong lãnh thổ của “con gấu”.
Khi được hỏi liệu thị trường đã chạm đáy hay chưa, ông Ed Yardeni, Chủ tịch công ty tư vấn Yardeni Research trả lời CNBC: “Chúng ta khó có thể nhanh chóng thoát khỏi tình cảnh hiện nay, đặc biệt là khi các yếu tố cơ bản vẫn còn bất ổn”.
Vị chuyên gia kỳ cựu trên Phố Wall nói tiếp: “Tôi nghĩ các nhà đầu tư đã nhận được bài học trong năm nay, rằng họ 'không nên chống lại Fed’”. Nói cách khác, người tham gia thị trường nên điều chỉnh các khoản đầu tư theo chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), thay vì chống lại chúng.
Ông nói rõ hơn: “Trong nhiều năm qua, không chống lại Fed có nghĩa là nếu Fed định nới lỏng chính sách tiền tệ, thì bạn nên mua vào cổ phiếu.
Nhưng tình hình đã thay đổi rõ rệt trong năm 2022. Giờ đây, ‘không nên chống lại Fed’ có nghĩa là không đối đầu với Fed khi họ chiến đấu với lạm phát. Và bối cảnh hiện nay không phải môi trường tốt cho cổ phiếu trong ngắn hạn”.
“Quá muộn để hoảng sợ”
Với lạm phát liên tục phóng lên đỉnh mới trong năm nay, Fed đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào tuần trước – mức cao nhất kể từ năm 1994 – và báo hiệu sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách. Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng rất có thể lãi suất sẽ được tăng thêm 50 hoặc 75 điểm cơ bản nữa trong cuộc họp chính sách tháng 7.
Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ lại đang đối mặt với rủi ro lạm phát đình trệ trong bối cảnh tăng trưởng giảm tốc và giá cả tiếp tục tăng.
Chứng khoán Mỹ lao dốc khi Fed thắt chặt chính sách tiền tệ và lạm phát gia tăng nhanh chóng. Tuần trước, chỉ số S&P 500 ghi nhận tuần tiêu cực thứ 10 trong 11 tuần gần nhất, và đang nằm gọn trong vùng thị trường gấu.
Hôm 16/6, toàn bộ 11 nhóm ngành cổ phiếu đóng cửa giảm hơn 10% kể từ đỉnh gần nhất. Tuần trước, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones lần đầu tiên đánh mất mốc 30.000 điểm kể từ tháng 1/2021.
Ông Yardeni nói rằng đà giảm của thị trường “sẽ không kết thúc” cho đến khi có những dấu hiệu chắc chắn rằng lạm phát đã đạt đỉnh. Lạm phát bị thổi bùng bởi giá thực phẩm và năng lượng leo thang. Nhiều nhà quan sát thị trường cũng đổ lỗi cho Fed vì đã kích thích nền kinh tế quá đà trong đại dịch COVID-19.
Ông nói với CNBC: “Thị trường chỉ có thể tăng đáng kể sau khi chúng ta thấy được đỉnh lạm phát”. Và các nhà đầu tư có thể sẽ phải chờ đến tận năm sau. Nhưng ông cũng tin rằng thị trường “đã kiệt sức” với việc bán ra. “Giờ đã quá muộn để hoảng sợ. Tôi nghĩ rằng các nhà đầu tư dài hạn sẽ nhận thấy một số cơ hội tuyệt vời trong thị trường hiện nay”.
Suy thoái sẽ “làm tổn thương cả người giàu”
Những đồn đoán về nguy cơ suy thoái đang xuất hiện ngày càng nhiều khi công chúng lo ngại rằng liệu Fed có thể đưa nền kinh tế hạ cánh mềm hay không. Thị trường gấu thường báo trước – nhưng không tạo ra suy thoái.
Ông Mark Jolley, chuyên gia toàn cầu tại CCB International Securities nói với CNBC: “Đây sẽ là cuộc suy thoái đầu tiên trong khoảng thời gian dài khiến người giàu cảm thấy đau đớn, thậm chí còn tệ hơn cả những người bình thường.
Nếu quan sát, bạn sẽ thấy rằng cả thị trường cổ phiếu lẫn trái phiếu đều đang trượt dốc. 2022 sẽ là năm phá hủy của cải ghê gớm nhất kể từ năm 1938”.
Khi lãi suất lên cao hơn, giá trị tài sản mà mọi người mua bằng tiền vay sẽ giảm, điều này cho thấy các khoản thế chấp đang gặp nguy hiểm. Ông cảnh báo: “Nếu sử dụng đòn bẩy và nắm giữ một tài sản lâu dài, thì giá trị tài sản đảm bảo cho món tài sản đó đã giảm 20%. Thử tưởng tượng xem điều gì sẽ xảy ra với hệ thống ngân hàng trong bất kỳ nền kinh tế nào khi giá nhà của bạn mất 20%”.