Nguy cơ chứng khoán Mỹ tiếp tục bị bán tháo trong tuần mới
Kết thúc tuần 13 – 17/6, cả ba chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ đều chìm biển lửa. S&P 500 giảm 5,8%, ghi nhận tuần tiêu cực nhất kể từ tháng 3/2020 khi dịch COVID-19 bùng phát lần đầu ở Mỹ. Tất cả 11 nhóm cổ phiếu thuộc chỉ số này đều đã sụt hơn 15% so với đỉnh.
Ngày 16/6, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones thủng mốc 30.000 điểm lần đầu tiên kể từ tháng 1/2021. Tính cả tuần vừa qua, chỉ số gồm 30 blue chip này đã có ba tuần sa sút liên tiếp và giảm điểm trong 11 trên tổng số 12 tuần gần đây.
Theo CNBC, ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) sẽ không giúp thị trường tạo đáy như những lần điều chỉnh trước đây. Thay vào đó, Fed vừa nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản – mức tăng cao nhất kể từ 1994, đồng thời ra tín hiệu cho biết quá trình thắt chặt tiền tệ sẽ tiếp tục trong các tháng tới.
Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ điều trần trước cả hai viện Quốc hội Mỹ trong tuần này. Giới quan sát kỳ vọng ông sẽ bảo vệ kế hoạch nâng lãi suất mạnh tay cho đến khi lạm phát được kiềm chế.
Ông Ajay Singh Kapur, chiến lược gia cổ phiếu tại Bank of America, viết trong báo cáo phân tích gửi khách hàng rằng nhà đầu tư nên dừng việc chống lại Fed và từ bỏ ý định bắt đáy.
“Trong một thị trường gấu, những người tỏ ra mình là anh hùng sẽ bị trừng phạt. Sự dũng cảm là không cần thiết và nhà đầu tư cần dùng đến sự nhút nhát khi xây dựng danh mục. Hãy bảo toàn vốn để chiến đấu trong một dịp khác. Đợi đến khi thị trường hoảng loạn lần nữa vì động thái của ngân hàng trung ương, khi định giá hấp dẫn hơn và chu kỳ lợi nhuận tăng trưởng”, ông Kapur viết.
Cổ phiếu công nghệ - nhóm rất nhạy cảm với lãi suất – đã bị bán tháo cực kỳ mạnh. Các cổ phiếu chu kỳ như hàng không, du lịch, … cũng giảm sâu. Bảng thống kê dưới đây cho thấy cổ phiếu năng lượng là nhóm duy nhất giữ được sắc xanh so với đầu năm, nhưng cũng đã lao dốc tới 17% trong tuần qua.
Đà lao dốc không chỉ giới hạn trong thị trường cổ phiếu. Bitcoin cắm đầu hơn 30% trong tuần qua và có lúc tụt xuống dưới 18.000 USD trước khi lấy lại mốc 20.000 USD như hiện nay.
Lợi suất trái phiếu nhảy vọt, cho thấy giá trái phiếu cũng rớt thảm vì lợi suất và giá biến động ngược chiều nhau. Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện nay cao gấp hơn hai lần so với ngày đầu năm 2022.
Các thị trường có đợt hồi phục ngắn ngủi vào chiều 15/6 sau khi Fed thông báo tăng lãi suất 75 điểm cơ bản. Tâm lý tích cực nhanh chóng chấm dứt khi đà bán tháo lan rộng ngay trong ngày hôm sau, xóa sạch nỗ lực tăng điểm của phiên trước.
Nhiều chuyên gia cho rằng giá cổ phiếu và tâm lý nhà đầu tư vẫn còn khả năng xấu đi vì hiện nay các ước tính lợi nhuận doanh nghiệp mà Phố Wall đưa ra vẫn còn khá lạc quan và thể hiện mức tăng trưởng mạnh.
CNBC dẫn lời ông Andrew Smith, Giám đốc chiến lược đầu tư tại Delos Capital Advisors, nhận xét: “Fed cần phải chống lạm phát càng nhanh và càng mạnh càng tốt, và thị trường luôn chậm chân trong việc đánh giá mức độ quyết liệt trong chính sách của Fed”.
Nguy cơ suy thoái phía trước
Tác động của việc Fed liên tục tăng lãi suất đối với thị trường đã được khuếch đại bởi các số liệu vĩ mô chuyển biến tiêu cực. Nhà đầu tư và giới phân tích dường như đang mất lòng tin vào kịch bản Fed có thể đưa nền kinh tế hạ cánh mềm.
Thị trường bất động sản đang hạ nhiệt nhanh chóng khi số lượng ngôi nhà bắt đầu xây mới và số người đăng ký vay thế chấp mua nhà giảm sâu. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng rơi xuống đáy mới. Số người xin trợ cấp thất nghiệp bắt đầu tăng lên khi nhiều doanh nghiệp công nghệ cắt giảm nhân sự.
Chuyên gia kinh tế Ethan Harris của Bank of America nhận định ngày 17/6: “Những điều mà chúng tôi lo sợ nhất về Fed đã được xác nhận: Fed hành động quá chậm và hiện nay đang phải chơi trò đuổi bắt cực kỳ nguy hiểm. Chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP sẽ chậm lại gần bằng 0, lạm phát ở quanh 3% và Fed sẽ nâng lãi suất vượt 4%”.
Ông Michael Feroli, Kinh tế trưởng của JPMorgan, kỳ vọng Chủ tịch Jerome Powell sẽ “tương đối thành công” trong việc cân bằng chiến dịch chống lạm phát với tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng lưu ý rằng khả năng xảy ra suy thoái là không thể xem thường.
“Cụ hạ cánh mềm mà nhà đầu tư mong đợi không chắc sẽ trở thành hiện thực, và chính Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nói rằng đạt được mục tiêu này không phải nhiệm vụ đơn giản”, ông Feroli viết trong báo cáo phân tích. “Các mô hình của chúng tôi cho thấy xác suất xảy ra suy thoái trong hai năm tới là 63% và trong ba năm tới là 81%”.
Ngày thứ Hai (20/6) thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa nghỉ lễ. Từ thứ Ba (21/6), thị trường giao dịch bình thường.
Ngày 22/6, Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ ra điều trần trước Thượng viện về vấn đề chính sách tiền tệ. Ngày 24/6, Đại học Michigan sẽ cập nhật chỉ số niềm tin người tiêu dùng.