|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cú lao dốc của thị trường tiền ảo khó bóp nghẹt nền kinh tế Mỹ, mấu chốt ở việc vay nợ

08:09 | 20/06/2022
Chia sẻ
Trao đổi với CNBC, các nhà kinh tế và chuyên gia ngân hàng cho rằng cú cắm đầu của thị trường tiền ảo mới đây không thực sự đáng lo ngại với nền kinh tế Mỹ, vì tài sản ảo thường không gắn với liền với hoạt động vay nợ trong thế giới thực.

Sự hỗn loạn trên thị trường tiền ảo hiện vẫn chưa dứt, vì giá các đồng tiền vẫn đang giảm mạnh, doanh nghiệp trong ngành sa thải nhân viên hàng loạt và một số tên tuổi nổi tiếng nhất dần đi đến cảnh sụp đổ.

Cú chao đảo khiến nhà đầu tư hoảng sợ, xoá sổ hơn 2.000 tỷ USD giá trị thị trường chỉ trong vài tháng và cuốn sạch tiền tiết kiệm cả đời của các nhà giao dịch nhỏ lẻ từng đặt cược rằng tiền ảo là một khoản đầu tư an toàn.

Khối tài sản của các nhà đầu tư lao dốc đột ngột đã làm dấy lên lo ngại rằng sự cố trên thị trường tiền ảo có thể kích hoạt một cuộc suy thoái trên diện rộng.

Vốn hoá chưa đến 1.000 tỷ USD của thị trường tiền ảo - chưa bằng một nửa của Apple - là rất nhỏ so với tổng GDP khoảng 21.000 tỷ USD hoặc quy mô thị trường nhà ở 43.000 tỷ USD của Mỹ.

Tuy nhiên, người dân Mỹ sở hữu một phần ba thị trường tiền ảo toàn cầu, theo ước tính từ Goldman Sachs. Một khảo sát từ Pew Research Center cũng phát hiện 16% người trưởng thành tại Mỹ đã đầu tư, giao dịch hoặc sử dụng tiền ảo.

Cho nên, nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn có một mức độ rủi ro nhất định sau cuộc bán tháo trên thị trường tiền ảo mới đây.

Song, trao đổi với CNBC, các nhà kinh tế và banker cho biết họ không lo lắng về tác động trực tiếp của thị trường tiền số tới nền kinh tế Mỹ vì một nguyên nhân chính: tiền ảo không bị ràng buộc với nợ.

Ông Joshua Gans, chuyên gia kinh tế tại Đại học Toronto, giải thích: “Trên thực tế, mọi người không sử dụng tiền ảo làm tài sản thế chấp để vay nợ trong thế giới thực. Do đó, đây chỉ là thiệt hại trên giấy và không phải vấn đề đáng ngại cho nền kinh tế Mỹ”.

(Ảnh minh hoạ: Getty Images).

Không dính tới nợ nần, không đáng ngại

Mối quan hệ giữa tiền ảo và nợ vay của người dân chính là chìa khoá để xác định rủi ro của nền kinh tế, CNBC nhấn mạnh lại.

Giá trị của hầu hết tài sản truyền thống được cho là sẽ ổn định vừa phải trong một thời gian dài. Đó là lý do tại sao những tài sản đó có thể được dùng làm tài sản thế chấp để vay tiền.

“Do mức độ biến động lớn của tiền ảo, bạn không thể sử dụng chúng để mua các tài sản thực hay các tài sản tài chính truyền thống hơn và đi vay dựa trên cơ sở đó”, nhà kinh tế Gans cho hay.

“Mọi người đã sử dụng tiền ảo để vay các đồng tiền ảo khác, nhưng điều đó chỉ diễn ra trong thế giới tiền ảo mà thôi”, vị chuyên gia khẳng định.

Trường hợp ngoại lệ vẫn xảy ra, như vào tháng 3 năm nay, nền tảng MicroStrategy đã vay 205 triệu USD bằng bitcoin với ngân hàng Silvergate. Song, đa phần các khoản vay được hỗ trợ bằng tiền ảo chỉ là một ngách nhỏ của thị trường cho vay.

Theo một nghiên cứu mới từ Morgan Stanley, các công ty cho vay trong lĩnh vực tiền ảo chủ yếu chỉ cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư tiền ảo vay tiền. Do đó, rủi ro lan toả từ việc giá tiền ảo lao dốc đến hệ thống ngân hàng dựa trên đồng USD pháp định của Mỹ “có thể rất hạn chế”.

Ông Gans của Đại học Toronto bình luận thêm: “Chắc chắn có các ngân hàng và tổ chức tài chính khác thực sự quan tâm tới tiền ảo như một loại tài sản tài chính mà họ có thể muốn khách hàng đầu tư vào".

“Tuy nhiên, trên thực tế, các khoản đầu tư kiểu đó vẫn còn rất ít”, nhà kinh tế nhấn mạnh, đồng thời lưu ý rằng các ngân hàng thường có bộ quy định và nhu cầu riêng để đảm bảo các khoản đầu tư phù hợp.

“Tôi không nghĩ nền kinh tế đang chịu rủi ro như những gì chúng ta từng thấy trong các cuộc khủng hoảng tài chính trước”, ông Gans nói thêm.

Tiền ảo và cổ phiếu công nghệ đang đi cùng chiều. (Ảnh minh hoạ: Reuters).

Tiếp xúc hạn chế

Giới chuyên gia cho biết mức độ tiếp xúc của các nhà đầu tư nhỏ lẻ tại Mỹ với thị trường tiền ảo thực chất không cao. Mặc dù một số nhà giao dịch nhỏ lẻ đã bị vùi dập bởi đợt bán tháo gần đây, thiệt hại tổng thể trên thị trường này là tương đối nhỏ so với tổng giá trị ròng của các hộ gia đình Mỹ, khoảng 150.000 tỷ USD.

Theo một lưu ý từ Goldman Sachs hồi tháng 5, các khoản đầu tư tiền ảo chỉ chiếm 0,3% giá trị hộ gia đình ở Mỹ, trong khi tỷ lệ này đối với cổ phiếu là 33%. Goldman Sachs dự đoán ảnh hưởng từ cú lao dốc gần đây của thị trường tiền ảo đối với tổng chi tiêu của người dân là “rất nhỏ”.

Một số nhà phân tích Phố Wall thậm chí còn tin rằng sự sụp đổ của các dự án tiền ảo thất bại còn là một điều tốt cho toàn ngành - một bài kiểm tra căng thẳng để loại bỏ những yếu kém trong mô hình kinh doanh.

Ông Alkesh Shah - chiến lược gia tài sản số và tiền ảo toàn cầu tại Bank of America, cho hay: “Sự sụp đổ của các mô hình kinh doanh yếu hơn như TerraUSD và Luna có thể có lợi cho sức khoẻ dài hạn của lĩnh vực này".

Vị chiến lược gia nói thêm rằng loại bỏ sự yếu kém của lĩnh vực tài sản số là một phần của quá trình điều chỉnh tài sản rủi ro trên diện rộng. Thay vì khiến nền kinh tế suy sụp, giá tiền ảo đang đi xuống cùng giá cổ phiếu công nghệ, vì cả hai nhóm này đều không chịu được áp lực từ việc môi trường kinh tế vĩ mô thay đổi, bao gồm lạm phát tăng nóng và Fed nâng lãi suất.

Ông Shah cho biết thêm: “Việc tăng lãi suất cao hơn dự kiến và nguy cơ suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng đến các tài sản rủi ro như công nghệ và tiền ảo. Khi các ngân hàng trung ương toàn cầu siết chặt chính sách, chúng tôi dự đoán họ sẽ khiến thanh khoản thị trường toàn cầu bốc hơi khoảng 3.000 tỷ USD”.

Yên Khê

[LIVE] ĐHĐCĐ Vietcombank: Dư nợ cho CBBank vay 10.000 tỷ năm 2022 đã giảm về 1.000 tỷ vào cuối quý I
Ngân hàng dự kiến sẽ trình phương án tiếp tục dùng lợi nhuận của năm 2023 để chia cổ tức. Tuy nhiên, việc chia cổ tức theo hình thức nào (cổ phiếu hay tiền mặt) cần sự phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.