Thị trường tiền mã hoá phình to với tốc độ phi mã sau 10 năm, có gần 20.000 đồng tiền ảo được ra đời
Từ thời điểm Bitcoin xuất hiện vào năm 2009, thị trường tiền mã hoá luôn được nhìn nhận với những biến động lớn, cả tích cực và tiêu cực. Trang Statista mới đây đã có một thống kê về sự biến đổi của nền kinh tế tiền mã hoá trong một thập niên qua.
Sự tăng trưởng của thị trường tiền mã hoá đặc biệt phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây. Từ chỉ có vài trăm đồng tiền ảo vào cuối năm 2014, đến cuối tháng 5 năm nay, con số này đã lên tới gần 20.000.
Sự bùng nổ này đến từ thực tế việc tạo ra một đồng tiền mã hoá không tốn bất kỳ chi phí nào và chỉ mất một vài click chuột. Dù vậy, trong thống kê của Statista chỉ tính đến các tài khoản số đạt được một số điều kiện, ví dụ như phải được niêm yết trên một sàn giao dịch.
Mặc dù số lượng đồng tiền mã hoá tăng lên cấp số nhân, điều tương tự không xảy ra với giá trị của chúng. Với mức độ biến động theo năm thường lên tới hơn 100%, tiền mã hoá vẫn được xem là một loại tài sản có mức độ rủi ro và biến động rất cao.
Sau đợt bùng nổ hồi năm ngoái để chạm mốc giá trị kỷ lục 3 nghìn tỷ USD vào tháng 11/2021, vốn hoá thị trường đã lao dốc hơn 50% xuống mốc hiện tại khoảng 1,3 nghìn tỷ USD. Dù vậy, con số này vẫn cao hơn gấp đôi vốn hoá thị trường vào cuối năm 2020.
Theo thống kê của Statista, tầm quan trọng của Bitcoin, đồng tiền mã hoá lớn nhất ở thời điểm hiện tại, đang có xu hướng giảm dần trong bối cảnh có nhiều đồng tiền khác xuất hiện, ví dụ như Ethereum.
Hiện tại, Bitcoin đang đóng góp từ 40% đến 50% giá trị vốn hoá thị trường. Con số này ở thời điểm năm 2014 lên tới 80%.