|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chuyên gia FIDT: Thông tin tiêu cực từ vụ Vạn Thịnh Phát không ảnh hưởng nhiều tới thị trường, tỷ giá

07:47 | 23/11/2023
Chia sẻ
Thay vì vọt tăng như năm ngoái, tỷ giá đã quay đầu giảm khi đồng USD yếu đi và theo FIDT thông tin tiêu cực từ vụ án chỉ tác động về mặt tâm lý, không ảnh hưởng nhiều tới nền kinh tế do thiệt hại đã được khoanh vùng.

Tỷ giá đã không còn tăng vọt trước thông tin tiêu cực

Ngày 22/11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm ở mức 23.885 VND/USD, giảm thêm 30 đồng so với mức giá niêm yết vào ngày hôm trước. Áp dụng biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các NHTM được phép giao dịch trong khoảng từ 22.691 đến 25.079 USD/VND. 

Sau lần điều chỉnh này, tỷ giá trung tâm đang ở mức thấp nhất kể từ ngày 15/8. Tại Vietcombank, tỷ giá có ghi nhận mức tăng 50 đồng ở cả chiều bán và mua, lên 23.970 - 24.340 VND/USD. Tuy nhiên, nếu so với mức cao vào đầu tháng 11, tỷ giá đã hạ nhiệt rõ rệt. 

Tỷ giá không còn tăng mạnh như cùng kỳ năm trước. (Ảnh: WiChart).

Năm ngoái, theo nhiều công ty chứng khoán, việc đồng USD mạnh lên mức kỷ lục trong hàng thập kỷ, sự kiện Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã tạo áp lực đáng kể lên tâm lý thị trường và tỷ giá trong nước.

Chỉ trong vòng hai tuần kể từ khi công bố thông tin khởi tố bà Trương Mỹ Lan, tỷ giá mua vào - bán ra tại Vietcombank đã tăng khoảng 3,6 - 3,6%. Trong khi đó, tỷ giá trung tâm cũng tăng thêm 1,1%. 

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá biến động tỷ giá đột ngột vào năm ngoái phần lớn đến từ những yếu tố nội tại, đặc biệt là sự kiện Vạn Thịnh Phát, hơn là áp lực bên ngoài. 

Sang đến trung tuần tháng 11/2023, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ban hành bản kết luận điều tra vụ án liên quan đến bà Trương Mỹ Lan, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB, với số tiền thiệt hại khoảng 415.000 tỷ đồng. 

Thông tin này đã thu hút nhiều sự chú ý của dư luận. Tuy nhiên, khác với năm ngoái, tỷ giá đã không chịu tác động lớn mà thậm chí còn quay đầu giảm. 

Tình trạng căng thẳng về thanh khoản trong năm nay đã không còn. (Ảnh: WiChart).

Theo các nhà phân tích của CTCP FIDT, công ty chuyên tư vấn đầu tư & quản lý gia sản, những tác động từ việc công bố kết luận điều tra chủ yếu về mặt tâm lý và chỉ ảnh hưởng trong một vài phiên đầu tuần. FIDT cho biết bản chất những thiệt hại này đã xảy ra và được khoanh vùng. 

Về tiền gửi, NHNN đã đứng ra kiểm soát và cam kết với người gửi tiền. Do đó, rủi ro với khách hàng gửi tiết kiệm là không có.

Bên cạnh đó, bản chất SCB không tham gia nhiều vào hệ thống liên ngân hàng từ lâu, nên các khoản vay mượn của SCB trên hệ thống là gần như không có, khó gây ra phản ứng dây chuyền.

FIDT đánh giá tác động đến nền kinh tế của vụ án Vạn Thịnh Phát và SCB đã được phản ánh từ lâu và hiện đang được kiểm soát. 

Đồng USD đã suy yếu

Ngoài những thông tin bất lợi từ thị trường trong nước, đồng USD yếu hơn so với năm ngoái cũng đang hỗ trợ cho tỷ giá. Ngày 22/11, chỉ số USD Index (DXY) đạt 103,54 điểm, dao động quanh mức thấp nhất kể từ đầu tháng 9. Chỉ số DXY đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với một giỏ ngoại tệ từ 6 đối tác thương mại lớn nhất.

Sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10, DXY đã bắt đầu xu hướng hạ nhiệt khi thị trường kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm kết thúc chiến dịch tăng lãi suất. Trước đó, trong giai đoạn cuối tháng 9 đến đầu tháng 11, tỷ giá duy trì quanh mức cao nhất kể từ tháng 11/2022.

 

So với thời điểm cuối năm ngoái, DXY đang quanh ngưỡng cao nhất trong vòng hàng chục năm, gây áp lực không chỉ lên VND mà còn hàng loạt đồng tiền khác trên thế giới. Mãi đến cuối tháng 11, DXY mới bắt đầu đi xuống, tương ứng với thời điểm mà tỷ giá bắt đầu hạ nhiệt. 

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và công ty chứng khoán, tỷ giá năm nay còn được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố như thăng dư thương mại dồi dào, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ổn định và lượng kiều hối mạnh mẽ vào cuối năm.

Minh Quang

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.