|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tỷ lệ CASA phục hồi hai quý liên tiếp khi lãi suất huy động chạm đáy

07:47 | 22/11/2023
Chia sẻ
Tỷ lệ CASA đã có dấu hiệu phục hồi sau hai quý kể từ mức đáy ghi nhận vào quý I/2023 khi lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Tỷ lệ CASA tăng trong hai quý liên tiếp

Sau khi giảm mạnh trong quý I/2023, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đã liên tục phục hồi trong quý II và III. Theo dữ liệu từ WiGroup, tỷ lệ CASA của nhóm ngành ngân hàng niêm yết đã giảm từ 20,34% vào cuối năm 2023 về 16,27% vào cuối quý I. Tới quý III, tỷ lệ này đã phục hồi lên mức 17,61%. 

CASA ngành ngân hàng đã phục hồi liên tục trong quý II và III.

Xét riêng từng ngân hàng, có 21/27 nhà băng ghi nhận tỷ lệ CASA vào cuối quý III tăng so với cuối quý I. Trong đó, SeABank dẫn đầu với mức tăng gần gấp đôi, tiếp đó là MSB. Ba ngân hàng dẫn đầu về tỷ lệ CASA là MB, Techcombank và Vietcombank đều chứng kiến những chuyển biến tích cực so với quý đầu tiên.

Tương tự, hai thành viên trong nhóm Big4 là VietinBank và BIDV lần lượt ghi nhận tỷ lệ CASA tăng 2 điểm % và 2,1 điểm % so với cuối quý I.

Tuy nhiên, nếu so với thời điểm cuối năm ngoái, CASA của toàn ngành ngân hàng vẫn thấp hơn đang kể. Tỷ lệ CASA quý IV/2022 là 19,04%, cao hơn kết quả của quý III/2023 là 1,43 điểm %. 

Chỉ có 2/27 ngân hàng (SeABank và OCB) báo cáo tỷ lệ CASA quý III tăng so với cuối năm ngoái. Ngoài ra, hai ngân hàng là VietinBank và Kienlongbank đã ghi nhận tỷ lệ CASA phục hồi ngang với kết quả quý IV/2022.

MB vẫn là quán quân, SeABank tăng gần gấp đôi tỷ lệ CASA

So với cuối năm ngoái, thứ hạng về tỷ lệ CASA của 10 nhà băng hàng đầu đã có một số thay đổi. MB tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu về tỷ lệ CASA, đạt 35,4%, giảm 4,6 điểm % so với cuối quý IV/2022. 5 vị trí tiếp theo không có sự thay đổi, lần lượt thuộc về Techcombank, Vietcombank, MSB, ACB và VietinBank. 

Tuy nhiên, nhờ sự phục hồi mạnh mẽ về CASA, BIDV đã lấy được vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng tỷ lệ CASA từ tay Sacombank. TPBank vương lên vị trí thứ 8 trong khi Sacombank tụt xuống thứ 9. 

Bất ngờ lớn nhất thuộc về SeABank khi ngân hàng này ghi nhận tỷ lệ CASA tăng 7,4 điểm % so với cuối năm ngoái. Tinh riêng trong quý III, CASA của SeABank đã tăng tới 8,5 điểm %, lên 17,1%. 

SeABank ghi nhận kết quả đột biến về CASA trong quý III.

Nếu xét về số dư tiền gửi không kỳ hạn, Vietcombank giữ vị trí hàng đầu, với gần 397.500 tỷ đồng (ứng với tỷ lệ CASA 30,3%) vào cuối quý III. Hai đại diện còn lại từ Big4 là BIDV và VietinBank lần lượt chiếm vị trí số 2 và 3, với số dư lần lượt là 285.000 tỷ đồng và 255.300 tỷ đồng. 

MB, quán quân về tỷ lệ CASA, đứng vị trí thứ 4 với gần 161.000 tỷ đồng CASA. Vị trí thứ 5 thuộc về Techcombank, với 130.900 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn. Agribank thường đứng vị trí của Techcombank, tuy nhiên trong quý III, ngân hàng này không công bố báo cáo tài chính.

CASA phục hồi khi lãi suất huy động chạm đáy

Trong ba quý đầu năm 2022, lãi suất tiền gửi đã đi lên khi nhu cầu tín dụng cao. Tới cuối năm, Nhân hàng Nhà nước (NHNN) đã nâng lãi suất điều hành, kéo theo lãi suất tiết kiệm tăng lên nhanh chóng. Lãi suất đi lên khiến người dân ít để tiền nhàn rỗi hơn trước mà gửi tiết kiệm có kỳ hạn để được hưởng lãi suất cao.

Tuy nhiên, bước sang năm 2023, NHNN đã liên tục cắt giảm lãi suất 4 lần, kéo theo lãi suất huy động của các ngân hàng đi xuống kể từ cuối quý I. Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng thấp cũng khiến các nhà băng rơi vào trạng thái "thừa tiền", buộc phải hạ lãi suất để giảm chi phí vốn (COF). 

Hiện nay, lãi suất huy động tại nhóm ngân hàng thương mại nhỏ và ngân hàng thương mại Nhà nước đã xuống mức thấp nhất trong lịch sử, dưới cả giai đoạn đại dịch COVID. Với mức lãi suất tiền gửi chỉ khoảng hơn 5%/năm tại các ngân hàng quốc doanh, người dân đã không còn tìm đến kênh tiết kiệm có kỳ hạn nhiều như trước.

Lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đã chạm đáy. (Ảnh: WiChart).

Theo đánh giá của Chứng khoán Vietcap, tỷ lệ CASA đã cải thiện trong quý III/2023 do lãi suất giảm. Trong những dự báo trước, Vietcap từng kỳ vọng mức phục hồi cao hơn. 

Các chuyên gia cho rằng tỷ lệ CASA cải thiện chậm là do nền kinh tế phục hồi chậm và nhu cầu đầu tư vào bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục yếu. Vietcap đánh giá khách hàng để tiền dưới dạng tiền gửi có kỳ hạn trong bối cảnh không chắc chắn vào các kênh đầu tư khác, dù lãi suất huy động đã hạ.  

Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo ngân hàng và công ty chứng khoán cũng nhận xét rằng dư địa để hạ thêm lãi suất tiền gửi trong thời gian tới sẽ không còn nhiều.

Minh Quang