|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia dịch tễ: Không thể khẳng định bệnh nhân 243 lây nhiễm từ BV Bạch Mai mà có thể là từ cộng đồng

14:46 | 08/04/2020
Chia sẻ
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, không thể khẳng định BN243 lây từ Bệnh viện Bạch Mai mà có thể đặt vấn đề có sự lây lan trong cộng đồng, bởi vì trong quá tình xét nghiệm chưa thấy xuất hiện kháng thể với virus.

Trao đổi với báo chí bên lề cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ngày 8/4, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, hiện có một số trường hợp chưa xác định được nguồn lây. Điều này chứng tỏ đã có sự lây lan ra cộng đồng nhưng chưa lớn.

Điển hình là BN243, việc xét nghiệm dương tính rất chắc chắn, nhưng qua xét nghiệm kháng thể của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thì chưa thấy xuất hiện kháng thể. 

“Do đó trường hợp này mới mắc COVID-19, có thể có sự lây truyền mới trong cộng đồng. Vậy lây ở đâu, lây như thế nào thì bệnh nhân này đã đi nhiều nơi, phải điều tra dịch tế tiếp mới xác định được”- PGS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Chuyên gia lí giải gì về nguồn lây ca bệnh 243 ở Mê Linh? - Ảnh 1.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp Sự kiện Y tế Công cộng Việt Nam. (Ảnh: suckhoedoisong.vn)

Cũng theo vị chuyên gia này, không thể khẳng định BN243 lây từ Bệnh viện Bạch Mai mà có thể đặt vấn đề có sự lây lan trong cộng đồng. Vì vậy, việc cứ đi tìm nguồn lây nhiễm rất khó, việc xác định biện pháp dập dịch như thế nào quan trọng hơn", PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh

Phân tích kĩ hơn về ca bệnh này, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, BN243 vào Bệnh viện Bạch Mai từ 12/3, đến ngày 4/4 lấy mẫu và ngày 5/4 có kết quả xác định dương tính với virus SARS-CoV-2. Do đó, phải xét nghiệm kháng thể xem người này nhiễm lâu chưa hay là mới nhiễm.

“Thực tế, trong kết quả xét nghiệm kháng thể của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đối với bệnh nhân này không phát hiện kháng thể trong cơ thể, chúng tôi nghĩ rằng, đây là trường hợp mới nhiễm” – PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

Cũng theo vì này, trong quá trình điều tra dịch tễ, có thể bệnh nhân này tiếp xúc nhiều người ở nhiều nơi, nhiều vị trí, kể cả những nơi có nguy cơ cao ở những bệnh viện khác.

Thực tế hiện nay Việt Nam đã có những trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, tuy nhiên rất khó phát hiện nguồn lây, tốn nhiều công sức nếu tập trung vào đó. 

Do đó, TS. Trần Đắc Phu cho rằng, trong trường hợp đã có lây nhiễm trong cộng đồng, ưu tiên hàng đầu là triển khai ngay các giải pháp cách li, khoanh vùng, dập dịch, không để dịch lan rộng. Vì vậy, các địa phương khi gặp các ca nhiễm tương tự, không được mất cảnh giác, chủ quan, nghĩ ngay rằng các ca nhiễm mới có liên quan để ổ dịch cũ.

BN243 (47 tuổi, trú xóm Bảng, thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, làm nghề nông). Bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai ngày 12/3 và đến ngày 21/3 có biểu hiện đau mỏi người, ngấy sốt.

Từ ngày 12/3 đến 4/5, bệnh nhân T. đã đi nhiều nơi, gặp nhiều người. Người này đã đi nhiều bệnh viện như Phụ sản Hà Nội, Đa khoa Phúc Yên (Vĩnh Phúc). Ngoài ra, người này còn đến các đám giỗ, đám cưới và đến nhà người thân, hàng xóm.

Đến sáng 8/4, trong số 2 ca mắc Covid-19 mới, có 1 người (BN250) là hàng xóm đã tiếp xúc gần với BN243 ở Mê Linh, Hà Nội. Ngoài ra, Hà Nội đã ghi nhận một trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính lần 1 liên quan đến bệnh nhân này.

Hà Lê tổng hợp