|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chuyên gia đề xuất áp dụng 'giá âm' với điện mặt trời áp mái dư thừa phát lên lưới

12:32 | 10/05/2024
Chia sẻ
ông Nguyễn Minh Đức, Chuyên gia Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng giá cần được điều chỉnh theo cán cân chi phí và lợi ích của việc phát triển điện mặt trời mái nhà. Nếu chi phí và tác động tiêu cực lớn hơn tác động tích cực thì 0 đồng thậm chí là giá âm là điều cần làm

 

Tại Diễn đàn về điện mặt trời áp mái do VnEconomy tổ chức sáng ngày 10/5, ông Nguyễn Minh Đức, Chuyên gia Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định việc phát triển điện mặt trời mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng còn tồn đọng nhiều vấn đề. Đặc biệt, điện mặt trời áp mái là nguồn điện phân tán nên không nhất thiết phải truyền tải đi xa.

Điều này lợi thế hơn rất nhiều so với các nguồn tập trung, tốn chi phí truyền tải. Đối với trường hợp điện mặt trời ở những khu vực đô thị, dân dụng, thời điểm sử dụng điện nhiều nhất để làm mát cũng đúng là thời điểm bức xạ mặt trời cao nhất. Do đó, việc cung ứng điện lúc này rất hiệu quả. 

Ông Đức cho biết, trước đây, khi tổng nguồn điện tái tạo chưa nhiều, do vậy, chính sách giá FIT rất phù hợp để kích thích phát triển. Nhưng vào thời điểm nếu nguồn điện tái tạo quá lớn, khiến cho tổng công suất các nguồn điện vượt quá nhu cầu và khả năng chống chịu của lưới thì rõ ràng không ai muốn mua nữa, thậm chí là phải chặn, không cho phát lên lưới. 

“Tôi nghĩ rằng giá cần được điều chỉnh theo cán cân chi phí và lợi ích của việc phát triển điện mặt trời mái nhà. Trong trường hợp lợi ích lớn hơn chi phí, việc khuyến khích bằng mức giá dương là phù hợp. Nhưng nếu chi phí và tác động tiêu cực lớn hơn tác động tích cực thì 0 đồng thậm chí là giá âm là điều cần làm”, ông Đức nói. 

Bà Nguyễn Phương Mai, chuyên gia tư vấn các dự án hỗ trợ ngành năng lượng tái tạo Việt Nam cho rằng hiện nay, một số quốc gia đã áp dụng cách tính giá điện mặt trời áp mái phát lên lưới một cách linh hoạt (lúc giá dương, lúc bằng 0 thậm chí có lúc âm) như Đức, Trung Quốc. Tuy nhiên, để áp dụng vào Việt Nam thì chưa có cơ sở bởi hiện nay chúng ta chưa có thị trường điện một cách đầy đủ, mới có bán buôn mà chưa có bán lẻ. Do đó, lựa chọn về chính sách cũng sẽ hạn chế hơn và chưa thể áp dụng những kinh nghiệm này từ nước ngoài vào Việt Nam.

Theo bà việc áp dụng giá 0 đồng với điện mặt trời áp mái dư thừa phát lên lưới là điều vừa phù hợp, vừa không phù hợp, tuỳ vào đối tượng.

Nếu lắp đặt điện áp mái trên quy mô các nhà xưởng khu công nghiệp thì việc bán phần điện dư thừa lên lưới với giá 0 đồng không phải là vấn đề lớn. 

Bởi, mục đích chính của các doanh nghiệp khi lắp đặt điện mặt trời là để đáp ứng yêu cầu  “xanh hoá” của các thị trường xuất khẩu.

“Nếu có dư một chút điện để hoà lên lưới điện quốc gia với giá 0 đồng thì đây được coi là đóng góp chung vào cộng động đồng. Do đó, việc bán điện dư thừa với giá 0 đồng không phải là câu hỏi lớn”, bà Mai nói.

Tuy nhiên, với các hộ gia đình, mức đầu tư ban đầu của hệ thống điện mặt trời còn khá lớn, trong khi hiệu suất sử dụng không cao. Do đó, họ kỳ vọng sẽ bán được phần điện dư thừa này, bù đắp một phần đầu tư ban đầu. 

“Do đó, theo tôi việc bán điện mặt trời dư thừa với giá bằng 0 đồng vừa phù hợp, vừa không phù hợp, phụ thuộc vào quy mô của từng hệ thống”, bà Mai nói.

Ông Phạm Đặng An, Phó Tổng giám đốc Công ty Vũ Phong, đối với doanh nghiệp, điện mặt trời áp mái có những tác động khác nhau. Ví dụ, trong vai trò là nhà đầu tư, một trong những mối quan tâm của họ là có bán được điện cho EVN hay không. Nếu bán được thì là điều tốt, nếu không bán được thì cần nhìn nhận lại thị trường điện Việt Nam vẫn chưa phát triển một cách đầy đủ các thành phần: mới chỉ có bán buôn, chưa có bán lẻ. 

Nhưng mối quan tâm lớn hơn của họ làm sao nhà nước phát triển được thị trường điện mặt trời phân tán, tiêu thụ tại chỗ, vừa đảm bảo an ninh năng lượng, vừa tăng được tính cạnh tranh của các nhà sản xuất. 

Trong vai trò là doanh nghiệp sử dụng điện mặt trời, việc sử dụng điện mặt trời tiết giảm lượng chi phí đáng kể. Bên cạnh đó, họ có thể đạt được cam kết về phát triển xanh, tăng tính cạnh tranh. Do đó, đối với họ, việc bán được điện dư thừa cho EVN hay không cũng không quá quan trọng. 

Đối với các đơn vị thi công, họ sẽ rất vui nếu cơ quan quản lý có hoạch định rõ ràng phát triển điện mặt trời mái nhà. Điện mặt trời nhà sẽ phát triển tốt vai trò khi ở hình thức phân tán, tiêu thụ tại chỗ. 

H.Mĩ