|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chuyên gia Cấn Văn Lực: Cần hiểu rõ bản chất của hai gói hỗ trợ kinh tế là gì

17:42 | 04/03/2020
Chia sẻ
Theo TS. Cấn Văn Lực, bản chất của gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỉ đồng là tổng những khoản mà các ngân hàng đã cam kết để cho vay mới với mức lãi suất thấp hơn, ưu đãi hơn so với trước đây đối với nhóm doanh nghiệp hay hộ gia đình chịu tác động tiêu cực từ dịch COVID-19.

Mới đây, Chính phủ đã thông tin về việc sẽ có hai gói gồm gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỉ đồng và gói hỗ trợ tài khoá khoảng 30.000 tỉ đồng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của dịch virus corona (COVID-19).

Các gói hỗ trợ được lên kế hoạch vào thời điểm một số lĩnh vực kinh tế đang có dấu hiệu suy giảm trước những ảnh hưởng từ dịch COVID-19, cho thấy sự linh hoạt và nhanh chóng của các nhà hoạch định chính sách.

Nói về hai gói hỗ trợ này, Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực cho biết đầu tiên nên hiểu rõ và đúng bản chất của các gói hỗ trợ này là gì.

Về gói hỗ trợ tài khoá 30.000 tỉ đồng, ở đây là số tiền dự tính đối với việc giảm thuế, giãn thuế, hoãn thuế,… hay giảm thuế xuất nhập khẩu do tác động của dịch COVID-19, tổng giá trị của nó là khoảng 30.000 tỉ đồng.

Đối với gói hỗ trợ tín dụng, đây là những khoản mà các ngân hàng đã cam kết để cho vay mới với mức lãi suất thấp hơn, ưu đãi hơn so với trước đây đối với nhóm doanh nghiệp hay hộ gia đình chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh.

"Cần xác định rõ bản chất hai gói hỗ trợ này không giống như những gói kích cầu năm 2009 (gồm gói 1 tỉ USD với tín dụng và 8 tỉ USD với nền kinh tế) - đó là những gói thực tế là không hiệu quả và việc triển khai cực kì phức tạp", ông nói.

Điều này cũng được Thủ tướng nêu rõ trong phiên họp Chính phủ thường kì tháng 2/2020 vào chiều 3/3. Thủ tướng cho biết ổn định vĩ mô vẫn là cái then chốt, không để vì các lí do khác làm ảnh hưởng đến mục tiêu này. "Chúng ta chưa đặt vấn đề nới lỏng chính sách tiền tệ hay đưa ra gói kích thích kinh tế", Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, mục tiêu chính của hai gói này là hỗ trợ những khó khăn cơ bản hiện nay của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh về dòng tiền, thanh khoản, vốn lưu động.

Song song với đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) cần rà soát, cơ cấu lại nợ, giãn nợ, hoãn nợ và không chuyển nhóm đối với những khoản tiềm ẩn nợ xấu, như vậy mới có thể cho vay mới tiếp được. Do đó, ông cho rằng NHNN cần sớm có văn bản hướng dẫn đề các TCTD sớm có phương hướng và hành động nhất quán về tiêu chí, doanh nghiệp nào, đối tượng nào, các khoản tín dụng nào thì được hỗ trợ.

Đọc thêm nhận định của TS. Cấn Văn Lực trong bài: Fed hạ lãi suất khẩn cấp: Liệu đã đúng bệnh và hàm ý gì với Việt Nam? 

Tổng giá trị các gói tín dụng có thể lên tới 285.000 tỉ đồng

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, chia sẻ trên trang NDH, các tổ chức tín dụng đang xây dựng chương trình hỗ trợ, gói tín dụng để tiếp tục đầu tư cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 với tổng giá trị là 285.000 tỉ đồng trên toàn hệ thống. Con số này cao hơn so với con số 250.000 tỉ đồng được đề cập tại hội nghị bàn các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong dịch COVID-19 diễn ra ngày 2/3.

Vị lãnh đạo này cũng cho biết đã có hơn 10 nhà băng tham gia chương trình này, bao gồm 4 ngân hàng TMCP Nhà nước. Mức lãi suất sẽ tùy thuộc vào tình hình cụ thể của khách hàng và đơn vị bị ảnh hưởng để căn cứ, không có mức cố định. Bình quân, các tổ chức tín dụng sẽ giảm 0,5 - 1% so với mặt bằng lãi suất trên thị trường.

Theo báo cáo của 23 TCTD lên NHNN, có khoảng 926.000 tỉ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của 23 TCTD này và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống.

Và trên thực tế, nhiều TCTD chủ động xây dựng chương trình nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn. Bước đầu ghi nhận từ các TCTD hỗ trợ cho trên 44.000 khách hàng với dư nợ khoảng 222.000 tỉ đồng.

Khoản vay nào được cơ cấu nợ, miễn giảm lãi vay?

Hiện nay, NHNN đã ban hành dự thảo Thông tư qui định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo Điều 3 dự thảo:

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay đối với các khoản nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Khoản nợ chưa chuyển nợ quá hạn mà khách hàng được đánh giá không có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng đã ký do chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19 bao gồm cả các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (đã được sửa đổi, bổ sung);

b) Khoản nợ đã chuyển nợ quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày Thông tư được ký ban hành do chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19.

2. Tổng thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại khoản 1 Điều này không vượt quá thời gian cấp tín dụng ban đầu theo hợp đồng đã ký.

3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm gần nhất trước thời điểm ngày 23/01/2020 đối với phần dư nợ của các khoản nợ quy định tại khoản 1 Điều này mà thời hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng từ ngày 23/01/2020 đến thời điểm liền sau 90 ngày kể từ ngày cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố hết dịch Covid – 19, bao gồm cả phần dư nợ đã cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi vay trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành và đã chuyển nhóm nợ theo quy định của Ngân hàng nước Việt Nam...

Diệp Bình

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định sẽ không buông bỏ VinFast và tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.