|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Một gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỉ đồng, một gói hỗ trợ tài khóa 30.000 tỉ đồng sắp được tung ra thị trường

09:25 | 04/03/2020
Chia sẻ
Đây là thông tin được Thủ tướng đưa ra tại phiên họp Chính phủ thường kì tháng 2/2020 vào chiều 3/3. "Chúng ta chưa gọi đây là gói kích thích kinh tế", Thủ tướng nhấn mạnh.
Một gói hỗ trợ tín dụng hỗ trợ 250.000 tỉ đồng, một gói hỗ trợ tài khóa 30.000 tỉ đồng sắp được tung ra thị trường - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu).

Tại phiên họp Chính phủ thường kì tháng 2/2020 vào chiều 3/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thông tin về việc đưa ra hai gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân trước ảnh hưởng của dịch virus corona (COVID-19).

"Một gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỉ lãi suất thấp. Một gói hỗ trợ từ  tài khóa như hoãn, giãn về tài chính ít nhất gần 30.000 tỉ. Chúng ta chưa gọi đây là gói kích thích kinh tế", VOV trích lời Thủ tướng tại phiên họp.

Các gói hỗ trợ tiền tệ, tài khóa, thương mại đầu tư, cải cách thủ tục hành chính sẽ tập trung vào các lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, trước hết là cho du lịch, hàng không, thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu.

Thủ tướng nhấn mạnh rằng hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại do dịch COVID-19, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, không phải là bao cấp cho sự yếu kém. Trong đó có hỗ trợ tín dụng lãi suất thấp, hỗ trợ về chính sách tài khóa. Các gói hỗ trợ này phải có hiệu lực ngay đến doanh nghiệp và người dân, không được để lâu, không có cơ chế xin cho, thiếu minh bạch.

Thủ tướng nêu rõ, ổn định vĩ mô vẫn là cái then chốt, không để vì các lí do khác làm ảnh hưởng đến mục tiêu này. Chúng ta chưa đặt vấn đề nới lỏng chính sách tiền tệ hay đưa ra gói kích thích kinh tế.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần chuẩn bị sẵn các kịch bản, phương án và đối sách với tình huống, diễn biến của dịch bệnh COVID-19 và tình hình thế giới, khu vực để không bị động, bất ngờ. 

NHNN căn cứ vào Luật Các tổ chức tín dụng, Luật NHNN để ổn định lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại tệ, đảm bảo thanh khoản của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế, nhất là cung ứng tín dụng, đáp ứng yêu cầu sản xuất, không để thiếu vốn tín dụng.

Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành rà soát, khẩn trương đề xuất phương án miễn, giảm, giãn, hoãn, chậm nộp các khoản thuế, phí, lệ phí, trong đó có việc giảm thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội.

Trước đó, ngày 2/3, NHNN đã tổ chức cuộc họp với các TCTD về tăng cường triển khai các giải pháp của ngành ngân hàng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Thông tin từ cuộc họp cho biết theo báo cáo của 23 TCTD, ước tính có khoảng 926.000 tỉ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của 23 TCTD này và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống.

Trong vòng 3 tuần kể từ khi họp với NHNN, các TCTD đã khẩn trương rà soát tình hình khách hàng vay vốn để chủ động xây dựng chương trình nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn. Bước đầu ghi nhận từ các TCTD hỗ trợ cho trên 44.000 khách hàng với dư nợ khoảng 222.000 tỉ đồng.

Các biện pháp hỗ trợ đã được đưa ra gồm cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu, giảm lãi các vay các khoản cho vay mới, miễn giảm các loại phí, triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng... 

20 TCTD đã được biểu dương về tinh thần tích cực, chủ động triển khai hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng cho biết, do dịch COVID-19, tất cả các nền kinh tế lớn của thế giới đều bị ảnh hưởng. Doanh thu hàng không toàn cầu được dự báo là thiệt hại khoảng 30 tỷ USD; du lịch thiệt hại khoảng 80 tỷ USD. Tâm lí bi quan khiến tất cả thị trường chứng khoán toàn cầu giảm điểm mạnh. USD tăng giá mạnh (đã tăng 4% kể từ đầu năm); giá vàng tăng cao nhất trong 7 năm qua; giá dầu thế giới đã giảm thấp, có thời điểm xuống dưới 50 USD/thùng.

Đối với Việt Nam, mặc dù chịu tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng nhìn chung kinh tế-xã hội vẫn ổn định và có những điểm sáng. Xuất khẩu vẫn tăng. Nhập siêu trong kiểm soát. Xuất khẩu ước đạt 36,9 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kì. Nhập siêu khoảng 176 triệu USD.

Nông nghiệp vẫn được duy trì ổn định, dịch bệnh dần được kiểm soát. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký tiếp tục đạt mức cao so với cùng kì. Các vấn đề an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, nhiều ngành, lĩnh vực đã gặp khó khăn, bộc lộ rõ những hạn chế, bất cập. Tốc độ tăng trưởng của nhiều ngành, lĩnh vực giảm, đặc biệt là du lịch và hàng không chịu tác động rất lớn. Nhiều doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ thiếu nguyên liệu. Khu vực dịch vụ chịu tác động mạnh của dịch bệnh COVID-19.


Trúc Minh

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.