|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chuyển đổi xanh khiến dư thừa các tàu chở LNG trong tương lai

14:39 | 28/05/2023
Chia sẻ
Theo nghiên cứu mới của Climate Analytics, một tổ chức tư vấn khí hậu tại Đức, xuất phát từ việc các quốc gia chuyển đổi sử dụng nhiên liệu hóa thạch để đạt được các mục tiêu giảm nhiệt độ toàn cầu, thế giới có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng dư thừa các tàu chở khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) dự kiến sẽ được đóng trong thập kỷ này.

Điều này có nghĩa là các tàu chở dầu có thể trở thành tài sản bị mắc kẹt, gây tổn thất cho các công ty đóng tàu cũng như chủ tàu hy vọng kiếm tiền từ sự gia tăng năng lực sản xuất LNG mới sẽ đi vào hoạt động trước năm 2030 và sự cạn kiệt khí đốt của châu Âu do cuộc khủng hoảng ở Ukraine (U-crai-na).

Giải pháp cho khí hậu của chúng ta, một nhóm vận động năng lượng và khí hậu của Hàn Quốc cũng tham gia vào nghiên cứu trên, cho biết các công ty đóng tàu ở Hàn Quốc, nơi đóng nhiều tàu LNG, có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng dư thừa LNG dự kiến và nhu cầu khí đốt suy yếu.

Tiến sỹ, nhà phân tích khí hậu Victor Maxwell, tác giả của nghiên cứu trên, nhận định: "Để tránh những thiệt hại tồi tệ nhất từ biến đổi khí hậu, thế giới đang hướng tới việc trung hòa carbon cho nền kinh tế toàn cầu, một quá trình chuyển đổi đòi hỏi chúng ta phải giảm đáng kể sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong 10 đến 20 năm tới. Số lượng lớn các tàu đóng mới chở LNG mà ngành công nghiệp đóng tàu dự kiến cung cấp trong thập kỷ này sẽ không cần thiết và rất có khả năng trở thành tài sản bị mắc kẹt.

Tuy nhiên, một số nước như Qatar (Ca-ta), Mỹ, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Australia (Ôx-trây-li-a) đang gia tăng công suất LNG. Nhu cầu gần đây của châu Âu đối với LNG dự kiến sẽ chỉ là tạm thời khi hiệu quả năng lượng, đầu tư năng lượng xanh và chuyển sang điện khí hóa hạn chế sử dụng khí đốt.

Châu Á vẫn là khách hàng hàng đầu của LNG và thị phần của khu vực trong nhu cầu LNG toàn cầu được dự báo sẽ trên 60% vào năm 2023, với Trung Quốc và Nhật Bản là những người mua hàng đầu. LNG được sử dụng chủ yếu để sản xuất điện, sưởi ấm và công nghiệp.

Nhưng nhu cầu khí đốt dài hạn ở châu Á cũng đặt ra những nghi vấn. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết trong báo cáo triển vọng năng lượng năm 2022 rằng động lực thúc đẩy tăng trưởng khí đốt tự nhiên ở các nền kinh tế đang phát triển đã chậm lại, đặc biệt là ở Nam Á và Đông Nam Á.

Theo Chương trình Phân tích khí hậu và giải pháp cho khí hậu của chúng ta, có khoảng 700 tàu trong đội tàu LNG toàn cầu tính đến cuối năm 2021. Con số này được bổ sung 34 tàu vào năm 2022 và 335 tàu chở LNG khác sẽ được giao trong giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2028.

Các công ty đóng tàu Hàn Quốc Hyundai Heavy Industries, Samsung Heavy Industries và Daewoo Shipbuilding and Marine Engineering đã cung cấp phần lớn năng lực vận chuyển LNG mới cho đến nay, trong đó lưu ý rằng các công ty đóng tàu Hàn Quốc đã giành được 70% đơn đặt hàng toàn cầu cho các hãng vận tải LNG lớn vào năm 2022.

Dongjae Oh, người đứng đầu Chương trình Phân tích khí hậu và giải pháp cho khí hậu của chúng ta, cho biết: "Rủi ro sắp xảy ra đối với các công ty đóng tàu Hàn Quốc, những người phụ thuộc nhiều vào việc xây dựng hàng trăm tàu chở LNG mà một thế giới phát thải ròng bằng 0 sẽ không cần".

Mục tiêu chính của thỏa thuận khí hậu Paris của Liên hợp quốc là thế giới cần nhanh chóng loại bỏ nhiên liệu hóa thạch nếu sự nóng lên toàn cầu được giới hạn ở mức 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp. Đạt được điều đó có nghĩa là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. IEA cho biết tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch sẽ cần giảm 85% từ năm 2021 đến năm 2050. Nhu cầu khí đốt sẽ phải giảm 55% vào năm 2050 theo lộ trình phát thải ròng bằng 0 của IEA.

Nghiên cứu cho biết, năng lượng tái tạo rẻ hơn và những tiến bộ nhanh chóng trong việc lưu trữ pin cho lưới điện có thể giúp chuyển nhu cầu khỏi khí đốt, giá cả biến động đã khiến một số khách hàng ở châu Á tạm ngừng mua hàng hóa LNG.

Trả lời phỏng vấn với tờ Thời báo eo Biển của Singapore, nhà phân tích về tài chính năng lượng, LNG/Gas Kevin Morrison, của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (Mỹ) cho biết: "Thế giới sẽ bắt đầu rời xa dầu mỏ và LNG trong 20 năm tới. Chúng tôi đang thấy nhu cầu dầu đã tăng với sự gia tăng doanh số bán xe điện".

Ông Morrison đánh giá: "Đối với LNG, chúng tôi đang chứng kiến sự mở rộng lớn về công suất, đặc biệt là ở Qatar và Mỹ, nhưng điều này đi kèm với một số rủi ro vì một phần đáng kể công suất mới không được củng cố bởi các thỏa thuận bán hàng dài hạn. Những thỏa thuận này có truyền thống bảo lãnh cho các dự án LNG thường rất thâm dụng vốn".

Ông Morrison cho biết, thế giới có thể phải đối mặt với tình trạng dư thừa nguồn cung LNG mới trên toàn cầu vào năm 2027. Ông Morrison nhấn mạnh: "Nhu cầu khí đốt toàn cầu là không chắc chắn khi các chính phủ đang thực hiện chính sách điện khí hóa các hộ gia đình, doanh nghiệp và tránh xa khí đốt".

Việc chuyển sang các hợp đồng bán LNG có thời hạn ngắn hơn "phản ánh một phần rằng ngay cả các tiện ích cũng có thể không tự tin về nhu cầu khí đốt dài hạn".

Tất Đạt