Chuyện cũ tái diễn sau chưa đầy một tháng: Chứng khoán toàn cầu lại đỏ lửa từ Âu sang Á
Điểm tương đồng
Thị trường chứng khoán toàn cầu đồng loạt giảm điểm vào ngày 4/9. Tương tự như đợt bán tháo mạnh vào đầu tháng 8, cổ phiếu công nghệ là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Nvidia lao dốc, khiến vốn hoá bốc hơi 279 tỷ USD và kéo cổ phiếu bán dẫn toàn cầu cùng đi xuống.
Một lần nữa, nỗi lo suy thoái tại Mỹ lại đè nặng lên tâm trí các nhà đầu tư, lần này là bởi số liệu sản xuất yếu hơn dự kiến. Cùng ngày 4/9, Bank of America lại vừa hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc từ 5% xuống 4,8%, gây ra nỗi lo về sức khỏe của nền kinh tế thế giới nói chung và đẩy giá dầu xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng. Trong khi đó, giá yen lại bật tăng.
Chỉ số STOXX 600 của châu Âu sụt 1%, chỉ số các thị trường lớn từ London đến Frankfurt mất khoảng 0,7%. Dẫn đầu đà giảm là các nhà sản xuất chip. Đơn cử, cổ phiếu ASML rớt 5,3%.
Dự kiến nỗi đau sẽ tiếp tục tiếp diễn trên Phố Wall. Hợp đồng tương lai của chỉ số S&P 500 tụt 0,4%, nối tiếp mức giảm hơn 2% trong phiên 3/9. Hợp đồng tương lai của Nasdaq sụt 0,6% sau khi chỉ số này mất 3,6% trong phiên trước.
Ông Jason Teh, Giám đốc đầu tư tại Vertium Asset Management, bình luận: “Rõ ràng biến động đang gia tăng. Chúng ta từng nếm trải điều này vào đầu tháng 8… Tối qua chúng ta có các dữ liệu vĩ mô tiêu cực và thị trường lo ngại về nguy cơ nền kinh tế giảm tốc”.
Theo Viện Quản lý Cung ứng (ISM), chỉ số PMI sản xuất của Mỹ chỉ đạt 47,2% trong tháng 8 - cao hơn một chút so với con số 46,8% vào tháng 7 nhưng thấp hơn ước tính 47,9% của các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát.
Giá dầu thô Brent giao sau giảm hơn 1% xuống 72,8 USD/thùng, dầu WTI sụt 1,4% xuống 69,4 USD - cả hai đều là mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm ngoái.
Nỗi lo về triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc - nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới - và nguy cơ nền kinh tế thế giới giảm tốc đã khuếch đại đà giảm của giá dầu, tờ Reuters nhận định.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản và Đài Loan dẫn đầu đà giảm, với chỉ số Nikkei 225 và Taiwan Weighted đều rớt hơn 4%. Trong khi đó, chỉ số cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương trừ Nhật Bản của MSCI sụt 0,6%.
Ông Vishnu Varathan, trưởng phòng nghiên cứu vĩ mô châu Á tại ngân hàng Mizuho, bình luận: “Có rất nhiều nguyên nhân khiến chứng khoán bị bán tháo, bao gồm Nvidia, cổ phiếu công nghệ, dấu hiệu suy yếu trong dữ liệu kinh tế Mỹ và sự bi quan về triển vọng của Trung Quốc”.
Khi chứng khoán đi xuống, đồng tiền của Nhật Bản lại mạnh lên nhờ được coi là hầm trú ẩn an toàn. Có lúc yen tăng tới 0,4% lên 144,9 JPY đổi 1 USD.
Lịch trình dữ liệu kinh tế
Các số liệu quan trọng về Mỹ trong tuần này bao gồm số vị trí đang tuyển dụng, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp và báo cáo việc làm phi nông nghiệp - dự kiến sẽ được công bố vào ngày 6/9.
Do các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rất chú ý đến thị trường lao động, báo cáo ngày 6/9 có thể sẽ quyết định quy mô của đợt cắt giảm lãi suất sắp tới là 25 hay 50 điểm cơ bản.
Ông Alex Loo, chuyên gia vĩ mô tại TD Securities, cho biết: “Chúng tôi cho rằng nỗi sợ về khả năng tăng trưởng của Mỹ đã bị thổi phồng quá mức. Chúng tôi kỳ vọng báo cáo tiếp theo sẽ cho thấy thị trường lao động vẫn mạnh mẽ”.
Các nhà kinh tế do Reuters khảo sát ước tính Mỹ đã tạo ra thêm 160.000 việc làm trong tháng 8, cao hơn đáng kể so với mức tăng 114.000 hồi tháng 7.