Lạm phát tăng như dự đoán, củng cố kịch bản Fed sẽ hạ lãi suất vào tháng 9
Báo cáo do Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố cho thấy vào tháng 7, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) đã tăng 0,2% so với tháng trước và 2,5% so với cùng kỳ năm trước, hoàn toàn phù hợp với ước tính của các nhà kinh tế mà Dow Jones khảo sát.
Không tính giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, PCEPI lõi cũng tăng 0,2% so với tháng trước và chỉ đi lên 2,6% so với cùng kỳ. Mức tăng so với cùng kỳ yếu hơn một chút so với dự báo 2,7% của các nhà kinh tế.
Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có xu hướng tập trung vào chỉ số lõi, coi đây là thước đo tốt hơn về xu hướng dài hạn. PCEPI cũng là thước đo lạm phát ưa thích của các quan chức.
Báo cáo còn tiết lộ thu nhập cá nhân của người Mỹ tăng 0,3% trong tháng 7, cao hơn một chút so với ước tính 0,2%. Trong khi đó, chi tiêu tiêu dùng tăng 0,5%, phù hợp với dự báo.
CNBC nhận xét về mặt giá cả, lạm phát nhìn chung không thay đổi trong tháng 7. Giá hàng hoá giảm chưa đến 0,1% so với tháng trước, mặc dù giá dịch vụ nhích khoảng 0,2%.
So với cùng kỳ, giá hàng hoá cũng sụt chưa đến 0,1%, trong khi chi phí cho dịch vụ tăng 3,7%. Giá thực phẩm đi lên 1,4% và giá năng lượng tăng tốc 1,9%.
Thị trường không phản ứng mấy với bản báo cáo. Hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ chỉ nhích nhẹ, tương tự như lợi suất trái phiếu kho bạc.
Báo cáo mới được công bố trong bối cảnh các nhà giao dịch tin tưởng 100% Fed sẽ hạ lãi suất vào tháng 9. Điểm duy nhất thị trường còn băn khoăn là ngân hàng trung ương Mỹ sẽ giảm lãi suất bao nhiêu điểm cơ bản.
Trong những ngày gần đây, các nhà hoạch định chính sách như Chủ tịch Fed Jerome Powell đã thể hiện lòng tin rằng lạm phát đang quay trở lại mức mục tiêu 2%.
Tại hội nghị Jackson Hole tuần trước, ông Powell đã đặt nền móng cho việc hạ lãi suất. “Đã đến lúc chúng tôi nên điều chỉnh chính sách tiền tệ”, lãnh đạo của ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới phát biểu.
“Hướng đi đã rõ ràng, thời điểm và tốc độ cắt giảm lãi suất sẽ phụ thuộc vào dữ liệu, triển vọng tương lai và cán cân rủi ro”, ông nhấn mạnh.
Chủ tịch Fed còn lưu ý về tiến triển trên mặt trận chống lạm phát. Ông nói Fed hiện đã có thể tập trung vào khía cạnh còn lại trong nhiệm vụ kép, cụ thể là đảm bảo nền kinh tế đạt trạng thái toàn dụng lao động.
“Lạm phát đã giảm đáng kể. Thị trường lao động không còn quá nóng và các điều kiện việc làm đã nới lỏng hơn so với trước đại dịch. Cán cân rủi ro giữa hai nhiệm vụ của chúng tôi đã thay đổi”, ông bày tỏ.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ tăng chậm nhưng liên tục đi lên. Hồi tháng 7, thước đo này đã chạm mức 4,3% và kích hoạt một chỉ báo suy thoái có độ chính xác cao là Quy tắc Sahm.
Một báo cáo hồi tuần trước của Bộ Lao động Mỹ cho thấy thị trường việc làm có thể đang tiếp tục yếu đi. So với dữ liệu ban đầu, tổng số việc làm mới trong giai đoạn tháng 4/2023 - 3/2024 đã giảm 818.000. Nói cách khác, các doanh nghiệp chỉ tạo thêm trung bình 178.000 việc làm mỗi tháng, trái ngược với ước tính cũ là 246.000.
Kể từ tháng 3/2022, các quan chức Fed đã tăng lãi suất từ mức gần 0 lên phạm vi 5,25 - 5,5%. Sau đó, họ “án binh bất động” trong hơn một năm qua để chờ lạm phát thoái lui.
Biên bản cuộc họp chính sách tháng 7 cũng tiếp thêm niềm tin cho nhà đầu tư. “Phần lớn” những người tham gia cuộc họp “nhận thấy nếu dữ liệu tiếp tục diễn biến như dự kiến, khả năng nới lỏng chính sách tại cuộc họp tiếp theo là phù hợp”, biên bản nêu rõ.