|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Hai bản báo cáo thổi bay hơn 600 điểm của Dow Jones

08:11 | 04/09/2024
Chia sẻ
Số liệu sản xuất yếu hơn dự kiến khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng nền kinh tế Mỹ đang tiếp tục suy yếu.

 

Bên trong một nhà máy ở Mỹ. (Ảnh: Bloomberg).

Các báo cáo PMI mới nhất cho thấy hoạt động sản xuất tại Mỹ đã tiếp tục chững lại trong tháng 8, làm gia tăng lo ngại về hướng đi của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo Viện Quản lý Cung ứng (ISM), chỉ số PMI sản xuất chỉ đạt 47,2% trong tháng 8 - cao hơn một chút so với con số 46,8% vào tháng 7 nhưng thấp hơn ước tính 47,9% của các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát.

Ông Timothy Fiore, Chủ tịch Ủy ban Khảo sát Doanh nghiệp Sản xuất của ISM, đánh giá: “Hoạt động sản xuất của chúng ta vẫn đang thu hẹp. Nhu cầu vẫn yếu, sản lượng giảm...”

“Nhu cầu vẫn ở mức thấp vì các doanh nghiệp không sẵn sàng đầu tư vào vốn và tồn kho trong bối cảnh chính sách tiền tệ và cuộc bầu cử tổng thống còn nhiều yếu tố khó lường”, ông nói thêm.

Tháng trước, PMI sản xuất yếu hơn dự kiến đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc. Chỉ số S&P 500 mất khoảng 8,5% trước khi khôi phục phần lớn thua lỗ.

Giá cổ phiếu tiếp tục giảm sau khi ISM công bố báo cáo mới nhất vào ngày 3/9. Trong đó, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm hơn 600 điểm.

 

Một dữ liệu kinh tế yếu khác làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất ít nhất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp sắp tới.

Theo công cụ FedWatch của CME Group, sau báo cáo PMI của ISM, các nhà giao dịch đã nâng xác suất Fed hạ lãi suất 50 điểm cơ bản lên 39%.

Cũng theo báo cáo của ISM, chỉ số việc làm tháng 8 đã tăng nhẹ lên 46%, trong khi hàng tồn kho vọt lên 50,3%. Về lạm phát, chỉ số giá tăng nhẹ lên 54% - điều này có thể sẽ khiến Fed phải cân nhắc kỹ lưỡng về quy mô cắt giảm lãi suất.

Số liệu của ISM được củng cố bởi một chỉ số PMI khác từ S&P. Theo số liệu của S&P, PMI sản xuất của Mỹ đã tụt từ mức 49,6 hồi tháng 7 xuống còn 47,9 vào tháng 8.

Chỉ số việc làm của S&P ghi nhận tháng giảm đầu tiên trong năm nay, trong khi chỉ số chi phí đầu vào vọt lên mức cao nhất trong 16 tháng - một dấu hiệu cho thấy lạm phát vẫn hiện hữu dù thấp hơn nhiều so với mức đỉnh vào giữa năm 2022.

Chia sẻ với CNBC, ông Chris Williamson, chuyên gia kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, cho hay: “Chỉ số PMI tiếp tục cho thấy lĩnh vực sản xuất đang trở thành lực cản lớn đối với nền kinh tế vào giữa quý III”.

“Các dự báo khác cho thấy lực cản này có thể gia tăng trong những tháng tới”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Yên Khê

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT: Ước tính sơ bộ đợt bão lũ này gây thiệt hại khoảng 40.000 tỷ đồng
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, ước tính sơ bộ đợt bão lũ ở miễn Bắc gây thiệt hại khoảng 40.000 tỷ đồng. So với kịch bản không có bão số 3, tăng trưởng GDP quý III có thể giảm 0,35 điểm %.